1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Vụ cháy chợ lớn nhất huyện: Bới đống tro tàn mong vớt vát tài sản

(Dân trí) - Quá đau xót khi đống tài sản cháy thành tro bụi chỉ sau một đêm, nhiều tiểu thương chợ trung tâm huyện Kbang (thị trấn Kanak, Kbang, Gia Lai) tuyệt vọng bới trong đống tro tàn để mong tìm lại chút tài sản còn sót lại.

Chỉ trong vòng hơn 4 tiếng đồng hồ, nhiều tỷ đồng của các tiểu thương chợ trung tâm huyện Kbang đã biến thành đống tro tàn. Hàng chục tiểu thương đau xót, bần thần như người mất hồn. Đến 11h trưa cùng ngày (19/7), một số tiểu thương quá xót của vẫn bần thần ngồi nhìn về phía đống tro bụi, một số khác thì bới đống tro để mong tìm lại được chút tài sản chưa bị cháy…

Tiểu thương Lê Ngọc Phước (trú thị trấn Kanak) xót xa kể, gia đình ông kinh doanh mặt hàng giày dép da. Khi vụ cháy xảy ra, con cháu ông ngủ lại ở ki ốt để trông coi hàng hóa. May mắn gia đình ông không có ai bị thương nhưng tất cả hàng hóa, tài sản, tiền mặt (khoảng 240 triệu đồng) trong ki ốt trị giá lên đến trên 1 tỷ đồng đã hóa thành tro bụi.

Khi đám cháy đã được dập tắt, con trai ông Phước đã vào trong ki ốt bới móc trong đống tro tàn, mong tìm lại được chút tài sản gì đó vẫn chưa bị “bà hỏa” thiêu cháy. Ông Phước cho biết, vì vợ chồng ông đã lớn tuổi, trước đây nhà riêng cũng bị kẻ gian đột nhập cạy cửa vài lần nên ông không dám để tiền mặt ở nhà. Trong khi đó, vợ chồng con trai ông tối nào cũng ngủ lại tại ki ốt trên nên toàn bộ tiền mặt, vàng của gia đình ông đều để trong két sắt tại ki ốt. Khi sự việc xảy ra, do quá hoảng loạn và ngọn lửa bốc lên quá nhanh nên vợ chồng con trai ông Phước chỉ kịp thoát thân và dắt được chiếc xe máy ra ngoài.

Con trai ông Phước đang bới đống tro tàn mong tìm lại được chút tài sản sản gì đó chưa bị cháy
Con trai ông Phước đang bới đống tro tàn mong tìm lại được chút tài sản sản gì đó chưa bị cháy

Sau khi đám cháy được khống chế, gia đình ông Phước mới vào được cửa tiệm để khiêng két sắt ra ngoài. Do nhiệt độ quá nóng nên toàn bộ số tiền trong két sắt đã bị cháy thành tro.

Nằm bên cạnh là ki ốt kinh doanh các mặt hàng cám, gạo… của ông Phan Văn Lượng (65 tuổi, trú thị trấn Kanak). Vẫn chưa hết bần thần sau vụ cháy, ông Lượng cho biết, ngoài hàng hóa thì gia đình ông có để 50 triệu tiền mặt cùng giấy tờ nợ ở trong ki ốt nên cũng đã bị cháy theo; ước tính thiệt hại của gia đình ông khoảng 350 triệu đồng.

Ông Phước (đội mũ bảo hiểm) xót xa vì toàn bộ tài sản trong ki ốt nhà mình thành đống tro tàn
Ông Phước (đội mũ bảo hiểm) xót xa vì toàn bộ tài sản trong ki ốt nhà mình thành đống tro tàn

Anh Phan Thành Vinh, con trai ông Phước kể lại, khoảng hơn 1h sáng, anh đang ngủ tại ki ốt thì phát hiện cửa hàng bốc cháy. Bản thân anh Vinh nghĩ chỉ mình ki ốt nhà mình bị cháy, nhưng sau đó anh phát hiện ra đám cháy xuất phát từ các ki ốt khác và đã lan sang ki ốt nhà anh khiến lửa bùng phát rất nhanh. Lúc này, anh Vinh chỉ kịp chạy thoát thân ra ngoài chứ không mang theo được tài sản gì.

Toàn bộ tài sản đã thành đống tro tàn, đến gần 12h trưa cùng ngày, tiểu thương Trần Thị Liên (52 tuổi) chẳng buồn ăn uống gì mà vẫn ngồi dõi mắt về hướng ki ốt bị cháy của nhà mình vì quá xót của. Bà Liên cho biết, thiệt hại của gia đình bà khoảng 300 triệu đồng.

Lúc 1h40 cùng ngày xảy ra sự việc, bà nhận được tin báo cháy chợ, khi ra đến nơi thì bà chỉ biết đứng nhìn tài sản của mình đang biến thành đống lửa: “Lúc đó ai cũng gào khóc, tôi cũng vậy, đến giờ tim tôi vẫn còn đập mạnh, chân vẫn còn run. Giờ tôi mong nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ, giúp bà con chúng tôi để chúng tôi có thể buôn bán lại”, bà Liên khẩn cầu.

Bà Liên bần thần mắt không dời về phía chợ bị cháy
Bà Liên bần thần mắt không dời về phía chợ bị cháy

Là người đầu tiên phát hiện ra chợ bị cháy, tiểu thương Nguyễn Thị Tám (63 tuổi), chưa hết bàng hoàng kể, do bà đã tuổi cao, không dọn được hàng nên đã ngủ tại ki ốt của mình. Khoảng gần 1h sáng, bà phát hiện ra cháy từ các ki ốt khác lan sang ki ốt kinh doanh quần áo, vải vóc của bà nên bà đã choàng tỉnh dậy, kêu la mọi người.

Bà Tám cho biết, thiệt hại tài sản, hàng hóa của gia đình bà khoảng hơn 300 triệu đồng: “Do chuẩn bị vào năm học, nên rất nhiều tiểu thương chúng tôi lấy hàng hóa như vải vóc, quần áo, giày dép… về rất nhiều. Vì vậy, khi đám cháy xảy ra, chúng tôi rất bàng hoàng. Nhưng cũng may mắn là khi cháy chợ, nhiều người ngủ lại ki ốt để trông coi hàng hóa của nhà mình đã kịp thoát thân, không ai bị thương gì”, bà Tám bần thần kể.

Nhiều người dân bới gạo cháy trong ki ốt nhà ông Lương để mang về cho gia cầm ăn
Nhiều người dân bới gạo cháy trong ki ốt nhà ông Lương để mang về cho gia cầm ăn

Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, sau khi nhận được tin báo, ông và các lãnh đạo huyện đã có mặt tại hiện trường để phối hợp với lực lượng chức năng chữa cháy, ổn định tinh thần bà con. Sáng cùng ngày, lãnh đạo huyện đã thành lập ban chỉ đạo khắc phục hậu quả tạm thời của vụ cháy chợ; đồng thời giao cho Ban quản lý chợ phối hợp với Phòng tài chính, Chi cục thuế rà soát lại các hộ kinh doanh để biết thiệt hại bao nhiêu. Ngoài ra, huyện cũng đã gửi bản thống kê thiệt hại cho các tư thương để họ thống kê thiệt hại của mình.

Chợ Kbang trở thành đống hoang tàn sau khi bị bà hỏa thiêu rụi
Chợ Kbang trở thành đống hoang tàn sau khi bị "bà hỏa" thiêu rụi

Cũng theo ông Dũng, chợ Kbang có khoảng trên 200 hộ kinh doanh có đóng phí tại chợ, khi đám cháy xảy ra thì có 37 hộ kinh doanh với 48 ki ốt bị thiệt hại do đám cháy gây nên. Đến đầu giờ chiều cùng ngày xảy ra sự việc, đã có 15 hộ kinh doanh nộp lại bản thống kê cho cơ quan chức năng, với số tiền hơn 8 tỷ đồng; các hộ còn lại vẫn chưa nộp lại thống kê.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang tham khảo các văn bản của các vụ cháy trước ở các địa phương khác, tính toán mức thiệt hại của các tư thương để lên phương án hỗ trợ.

Bao nhiêu mồ hôi, công sức của các tiểu thương trở thành đống tro chỉ sau vài giờ
Bao nhiêu mồ hôi, công sức của các tiểu thương trở thành đống tro chỉ sau vài giờ

Hiện tại, cơ quan chức năng đang cố gắng khắc phục hậu quả của đám cháy, tổng vệ sinh thu gom, xử lý môi trường và chuẩn bị bố trí khu vực chợ tạm để tư thương có chỗ tiếp tục kinh doanh.

Thiên Thư - Trần Linh