1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Vụ cháy 300 xe gắn máy: Nhiều người nghèo mất “cần cầu cơm”

(Dân trí) - Vụ cháy bãi giữ xe trên đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TPHCM ngày 5/4 vừa qua không những khiến chủ bãi xe khốn đốn lo bồi thường mà nhiều lao động nghèo có xe gửi ở đây cũng đang lao đao vì không có phương tiện mưu sinh.

Ngày 8/4, PV Dân trí tiếp tục quay trở lại khu vực bãi giữ xe bị cháy của anh Võ Trung Nhân trên đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8, TPHCM), tiếp xúc, gặp gỡ những lao động nghèo có phương tiện mưu sinh gửi trong bãi xe nhưng đã bị ngọn lửa thiêu rụi.

Gặp chúng tôi gần hiện trường vụ cháy, bà Võ Thị Bao (60 tuổi, bán nước trước Bệnh viện quận 8) có xe gửi trong bãi kể: “Tất cả vốn liếng 2 vợ chồng tôi đều dồn vào 2 chiếc xe bán bánh mì và xe bán nước. Đây chính là phương tiện để vợ chồng tôi kiếm sống qua ngày, thế nhưng một mồi lửa đã thiêu rụi tất phương tiện mưu sinh của chúng tôi. Vì cuộc sống mưu sinh nên vợ chồng tôi đành vay mượn trả góp số tiền 10 triệu đồng để mua lại chiếc xe mới để tiếp tục buôn bán, kiếm sống qua ngày”.

Vụ cháy 300 xe gắn máy: Nhiều người nghèo mất “cần cầu cơm”
Sau 3 ngày thất thu vì vụ cháy, sáng 8/4, chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã tiếp tục công việc mưu sinh để nuôi gia đình

Được biết bà Bao gửi 2 chiếc xe đẩy cùng nhiều bàn ghế tại bãi của anh Nhân với số tiền 250 ngàn đồng/tháng. Sau vụ cháy, toàn bộ xe đẩy, bàn ghế và nước trong chiếc xe đã bị thiêu rụi, hư hỏng.

Cũng chung cảnh ngộ với bà Bao, chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng (33 tuổi, tạm trú phường 4, quận 8) than thở: “Gia đình tôi chỉ có chiếc xe bánh mì là phương tiện mưu sinh duy nhất, nhưng vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ chiếc xe và đồ đạc bên trong”.

Với những người lao động nghèo, chiếc xe bánh mì phương tiện kiếm sống chính của cả gia đình
Với những người lao động nghèo, chiếc xe bánh mì phương tiện kiếm sống chính của cả gia đình

“Sau khi xảy ra cháy, tôi có hỏi chủ bãi xe nhưng họ nói vẫn chưa có tiền để đền, vì mưu sinh nên tôi đành đi vay mượn anh chị em, bà con số tiền hơn 5 triệu đồng để sắm chiếc xe mới, tiếp tục buôn bán kiếm sồng”, chị Phượng tâm sự.

Được biết chị Phượng bán bánh mì được gần 3 năm nay, hằng ngày sau khi bán xong chị đều đưa xe vào bãi của anh Nhân gửi với giá 150 ngàn đồng/ tháng.

Toàn bộ số bàn ghế, xe đẩy vừa được bà Võ Thị Bao sắm lại để tiếp tục công việc mưu sinh
Toàn bộ số bàn ghế, xe đẩy vừa được bà Võ Thị Bao sắm lại để tiếp tục công việc mưu sinh 

Có lẽ trường hợp bi đát nhất trong vụ cháy này là ông Nguyễn Thanh Hoàng (61 tuổi, tạm trú phường 4, quận 8). Hằng ngày ông Hoàng đạp xích lô ở chợ An Đông quận 5 để kiếm tiền nuôi mẹ già là cụ bà Phạm Thị Ba (87 tuổi). Sau khi xảy ra vụ cháy, chiếc xích lô là phương tiện kiếm sống chính của ông Hoàng đã bị thiêu rụi trơ khung, hiện ông Hoàng đang ở nhà vì không có xe để tiếp tục hành nghề.

Được biết ông Hoàng đạp xích lô được hơn 20 năm nay, hằng ngày ai thuê gì là ông chở đó. Trung bình mỗi ngày ông Hoàng kiếm được khoảng 100 ngàn đồng, một nửa số tiền đó ông để dành cho việc trả tiền trọ hàng tháng, số tiền còn lại ông dùng cho việc trang trải cuộc sống hàng ngày của 2 mẹ con.

“Chiếc xe xích lô là phương tiện mưu sinh duy nhất của tôi giờ đã bị cháy rụi, hỏi thì chủ bãi nói chưa có tiền đền, không biết bây giờ tôi lấy gì để kiếm sống đây”, ông Hoàng ngậm ngùi.

2 mẹ con ông Hoàng trong căn phòng trọ
2 mẹ con ông Hoàng trong căn phòng trọ

Theo nhiều người dân sống chung dãy trọ với ông Hoàng, trường hợp của ông rất đáng thương. Hằng ngày ông Hoàng đi đạp xích lô kiếm tiền nuôi mẹ già. Cách đây 3 năm, chiếc xích lô ông để gần dãy nhà trọ đã bị các đối tượng xấu trộm mất. Sau khi mất xe, ông Hoàng không có phương tiện mưu sinh nên nhiều người sống chung khu trọ thương tình đã góp tiền giúp ông mua chiếc xe mới, tiếp tục hành nghề. Vậy mà trong vụ cháy vào chiều 5/4 vừa qua, ngọn lửa lại tiếp tục cướp đi phương tiện mưu sinh chính của người đàn ông nghèo.

Chiếc xe xích lô của ông hoàng nay chỉ còn trơ khung sắt
Chiếc xe xích lô của ông hoàng nay chỉ còn trơ khung sắt

Được biết ông Hoàng gửi xe ở bãi của anh Nhân với số tiền 90 ngàn đồng/tháng. “Kể từ thời điểm cháy bãi xe đến nay, tôi không có phương tiện để đi làm, nhiều mối kêu chở hàng lắm nhưng không có xe để chạy”, ông Hoàng Tâm sự.

Bàn ghế, xe đẩy của những lao động nghèo gửi tại bãi xe đã bị cháy rụi
Bàn ghế, xe đẩy của những lao động nghèo gửi tại bãi xe đã bị cháy rụi
Bàn ghế, xe đẩy của những lao động nghèo gửi tại bãi xe đã bị cháy rụi

Trao đổi với PV Dân trí, ông Tế Ngọc Đức, Chủ tịch UBND phường 4, quận 8 cho biết, trước mắt việc đền bù cho các chủ xe bị thiệt hại sẽ do phía chủ bãi giữ xe và chủ phương tiện tự thoả thuận với nhau. Nếu như không đạt được thảo thuận giữa 2 bên, khi đó phường sẽ đứng ra tổ chức hòa giải. Riêng trường hợp các chủ xe thuộc diện gia đình khó khăn, chiếc xe bị cháy là phương tiện duy nhất trong gia đình dùng để mưu sinh thì phường sẽ kết hợp với Ban vận động quỹ vì người nghèo để xem xét từng trường hợp hỗ trợ giúp họ sớm ổn định cuộc sống.  

Đình Thảo