Vụ chặn xe dâu đòi nợ: Cán bộ mất tình người hay dân quá chây ỳ?
(Dân trí) - Liên quan đến vụ Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn Sơn Tây (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa - Phú Yên) cùng người dân chặn xe rước dâu của đám cưới trong thôn để đòi 3 triệu tiền nợ làm đường, nhiều ý kiến bạn đọc bất bình với cách hành xử thiếu nhân văn này. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng có thể do dân quá chây ỳ nên thôn mới phải làm vậy.
Trước đó, như đã đưa tin, ngày 17/10, gia đình bà Nguyễn Thị Thu ở địa chỉ trên có tổ chức đám cưới cho con trai. Sáng cùng ngày, xe rước dâu từ huyện Sông Hinh về huyện Tây Hòa, khi đến cổng thôn Sơn Tây thì bất ngờ bị nhiều cán bộ thôn (trong đó có Bí thư Chi bộ và trưởng thôn) cùng người dân ra chặn xe lại để đòi 3 triệu tiền nợ làm đường.
Lúc bị chặn xe, dù nhiều người của gia đình bà Thu giải thích đây là ngày trọng đại của gia đình, xe rước dâu phải về nhà đúng giờ để làm lễ nhưng các cán bộ thôn vẫn kiên quyết không cho xe đi. Khi gia đình bà Thu bức xúc phản đối việc chặn xe, ông Phạm Văn Quảng, Trưởng thôn Sơn Tây, đã lập biên bản, buộc gia đình bà Thu phải ký và hẹn ngày nộp 2 triệu đồng mới cho xe đi.
Liên quan đến sự việc trên, rất nhiều bạn đọc đã chia sẻ quan điểm với Dân trí.
Việc làm không nhân văn, thiếu tình làng nghĩa xóm
Độc giả Phạm Văn Phúc viết: Cho dù là nhân danh lợi ích của làng xã, cũng không thể làm như thế đuợc. Trong tình huống này, việc làm đã không nhân văn, thiếu tình nghĩa xóm làng, phàm cảm với tiêu chí nông thôn mới mà địa phương đang xây dựng. Tiếc thay những vụ việc thế này, qua báo chí truyền thông nói cũng nhiều nhưng đó đây vẫn cứ vô tư xảy ra.
Độc giả Bùi Huy Thạch đồng quan điểm: Thiếu gì cách mà phải xử lí như vậy? Cán bộ là để phục vụ nhân dân, trong trường hợp này thì khó có thể chấp nhận được cách hành xử thiếu tế nhị trước dân...
Độc giả tên Minh Nguyễn cho rằng: Nói gì thì nói, việc chặn xe rước dâu của cán bộ thôn là không đúng. Việc nào ra việc nấy, nếu họ không chịu đóng thì theo qui định của pháp luật để xử lý, không thể chặn xe rước dâu để bắt nộp tiền xây dựng nông thôn mới rồi mới cho đi. Đây là việc làm không đúng xét cả về lý lẫn tình. Vậy thì phải xin lỗi là đúng rồi.
Bạn đọc Trình Trần Hữu cũng không đồng tình cách "đòi nợ" của thôn: Việc chặn xe cưới bắt viết giấy hẹn trả nợ là không nên. Việc đưa ra mức đóng góp cào bằng là không hợp lý. Trường hợp con trai bà Thu đã mua đất làm nhà sinh sống ở nơi khác và đã đóng góp làm đường ở nơi ở mới nhưng làng vẫn bắt phải đóng bằng mọi người ở quê là không phù hợp. Sai thì phải xin lỗi thế mới là cán bộ tốt. Đừng đổ cho dân!
Làm gì thì làm nhưng phong tục người Việt Nam ngày hiếu, hỷ là ngày trọng đại thiêng liêng của mỗi người không được xâm phạm. Nếu gia đình chưa hoàn thành nghĩa vụ với thôn xóm thì sau ngày cưới giải quyết chứ không được làm như thế. - độc giả Phạm Mạnh Đằng nêu quan điểm.
Một bạn đọc bức xúc: Cán bộ thôn này hình như chưa được học cách tiếp xúc với dân thì phải. Đã là cán bộ thì xử lý mọi tình huống đều phải khôn ngoan, chứ ai lại chặn ngày vui của người ta mà làm mất mặt với 2 họ với làng nước. Như vậy phạm tội xúc phạm danh dự của người ta rồi, đề nghị làm rõ vấn đề này.
Dân không đóng tiền làm đường có lỗi không?
Cùng sự việc này nhưng nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến cho rằng việc gia đình bà Thu kinh tế không đến nỗi khó khăn mà không chịu đóng góp tiền xây dựng đường là "cù nhầy".
Bạn đọc Vũ Trọng Hiếu phân tích cái sai của bà Thu và chia sẻ với cách làm của cán bộ thôn: Bà Thu yêu cầu chính quyền thôn và bí thư chi bộ xin lỗi gia đình bà trong ngày cưới con vì hành động chặn xe đón dâu. Nhưng bà Thu đã từng nghĩ vì sao như vậy chưa? Đã bao giờ tự hỏi tại sao nhà mình lại bị số đông bà con trong đó cứ cho là có Bí thư chi bộ và Trưởng thôn chặn xe nhà mình mà không chặn xe nhà người khác.
Đã bao giờ bà Thu suy nghĩ là tiền xây dựng nông thôn mới (Trong đó có chi phí làm đường nông thôn) bà con thôn xóm đóng được tại sao mình lại không? Kể cả những người lớn tiếng phê bình hay cho là phản cảm đã hỏi tại sao nhà bà Thu lại bị chặn xe đón dâu chưa. Vậy hãy đặt mình vào vị trí của bà con thôn xóm, trưởng thôn, bí thư chi bộ và vị trí của bà Thu rồi suy nghĩ thì mới thấy sự chậm tiến và phản cảm.
Hy vọng bà Thu hãy tự trọng và suy nghĩ cho kỹ, đừng làm lớn chuyện mà tự bêu xấu mình.(Vì bà không đóng tiền là có thật). Còn các cấp chính quyền từ xã huyện đến tỉnh cứ việc xem xét cho công bằng, đừng vì dư luận mà lại làm mất tình làng nghĩa xóm, mất cán bộ cấp dưới vì những việc không đâu và nhất là mất lòng tin của bà con.
Có bạn đọc còn cho rằng việc nhà bà Thu có tiền mua nhà ở nơi khác mà không có tiền đóng góp là "keo". Cán bộ thôn chắc cũng "cực chẳng đã" mới phải làm như vậy.
Độc giả Nguyễn Trương Tú An chia sẻ: Một việc gì xảy ra cũng có căn nguyên của nó. Bí thư chi bộ và Trưởng thôn là những người được dân tin yêu và bầu ra để bảo vệ quyền lợi và lợi ích cho dân.
Tôi là một người ngoài cuộc. Theo tôi nhìn nhận nói về lý thì trưởng thôn và bí thư có sai sót, sai sót ở đây là chưa có luật bắt dân phải góp tiền chung để làm đường. Còn việc làm của bí thư và trưởng thôn nói về tình thì chẳng có gì sai cả. Theo tôi mọi người dân ở đó đều ủng hộ, trừ họ hàng 2 bên nhà có đám tiệc.
Các bạn thử xem, nếu dân không cùng góp tiền xây dựng đường thì liệu đường có sạch đẹp không, hay sẽ là bùn đất lầy lội. Các bạn có thể có 1 đám rước dâu với những bức hình và khung cảnh đẹp như vậy không. Các bạn dám bỏ vài triệu ra để thuê rạp cưới, bỏ 2 tuần lương để thuê dàn nhạc, bỏ cả tháng lương để chụp ảnh cưới và thuê xe đẹp rước dâu. Vậy chỉ đóng góp thêm 3 triệu cho dân, cho thôn và nhất là cho gia đình các bạn thì các bạn lại không bỏ được. Tôi mong các bạn hãy nhìn nhận lại và đừng lên án 2 vị trưởng thôn và bí thư. Tất cả họ làm đều vì dân cả, ngày vui của bạn sẽ là ngày vui của thôn nếu tất cả cùng chung tay xây dựng nông thôn phát triển.
Nguyễn Dương (tổng hợp)