1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ chăn trâu bò phải đóng phí đồng cỏ: Hoàn trả tiền cho dân

(Dân trí) - UBND thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) đã có báo cáo xác minh bước đầu nội dung phản ánh của báo chí về việc chăn thả trâu, bò phải đóng phí cỏ tại xã Thiệu Dương. UBND thành phố đã chỉ đạo xã hoàn trả lại khoản tiền thế chấp cho các hộ dân trước ngày 30/4/2018.

Theo đó, ngày 20/4 UBND thành phố Thanh Hóa đã thành lập đoàn công tác xuống làm việc với UBND xã Thiệu Dương, Hợp tác xã dịch vụ Minh Anh (HTX) để xác minh nội dung phản ánh về việc chăn thả trâu, bò phải đóng phí cỏ tại địa phương này.

Báo cáo của UBND thành phố Thanh Hóa về vụ việc thu phí cỏ chăn thả trâu, bò tại xã Thiệu Dương
Báo cáo của UBND thành phố Thanh Hóa về vụ việc thu phí cỏ chăn thả trâu, bò tại xã Thiệu Dương

Tại xã Thiệu Dương có 15 hộ chăn nuôi gia súc, 20 hộ dân có máy sản xuất nông nghiệp nằm trong tổ cơ giới hóa. HTX được thành lập ngày 7/10/2016 và được UBND xã Thiệu Dương bàn giao thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã từ ngày 20/12/2017.

Từ khi hoạt động, HTX đã có nhiều đóng góp tích cực cho đời sống sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Qua kiểm tra việc chăn thả trâu, bò phải đóng phí cỏ, kết quả kiểm tra cho thấy, khoản thu này do HTX thu trên cơ sở họp thống nhất với 13/15 hộ dân chăn thả trâu, bò với số lượng 100 con, nhằm thế chấp cho việc đảm bảo không để gia súc phá hoại hoa màu, tài sản của nhân dân.

Theo thỏa thuận, khoản tiền này được trả lại cho các hộ trong các trường hợp: Các hộ không còn nuôi và khi chăn thả gia súc không gây thiệt hại đối với lúa, hoa màu, tài sản của nhân dân. Việc trả lại tiền thế chấp được thực hiện sau mỗi vụ sản xuất. Trường hợp các hộ chăn thả gia súc gây thiệt hại, HTX sẽ mời các bên liên quan, dùng số tiền thế chấp bồi thường cho các hộ có hoa màu bị hư hại.

Sau khi xác minh, UBND thành phố Thanh Hóa khẳng định: Khoản thế chấp trên theo phản ánh của báo chí là đúng thực tế và không đúng với quy định của pháp luật. UBND thành phố đã chỉ đạo HTX hoàn trả lại khoản thế chấp trên cho các hộ trước ngày 30/4/2018.

Về khoản 5 triệu đồng tiền thế chấp máy gặt, máy lồng, theo xác minh của UBND thành phố Thanh Hóa thì đây là khoản góp vốn của các thành viên HTX theo điều lệ hoạt động, hộ gia đình nào muốn trở thành thành viên của HTX phải đóng góp khoản vốn này theo quy định.

Đối với việc thu 10.000 đồng/sào của các hộ có máy sản xuất nông nghiệp, khoản thu này do Tổ hợp tác cơ giới hóa trong sản xuất lúa xã Thiệu Dương thu (20 thành viên), nhằm mục đích phục vụ hoạt động điều hành, hỗ trợ thăm hỏi, ốm đau của các thành viên trong tổ.

Đây là khoản thu tự nguyện của các thành viên trong tổ, UBND thành phố Thanh Hóa yêu cầu tổ dịch vụ không được thu của thành viên nếu họ không tự nguyện đóng góp.

Từ đó, UBND thành phố Thanh Hóa yêu cầu UBND xã Thiệu Dương, các phường, xã trên địa bàn rà soát báo cáo thành phố việc thu phí, lệ phí; nghiêm cấm thu các khoản đóng góp trái với quy định; thực hiện nghiêm túc việc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NP-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, người dân tại xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) muốn chăn thả trâu bò ra đồng phải đóng một khoản phí gọi là phí đồng cỏ, tiền thế chấp cho HTX.

Việc chăn thả trâu bò phải đóng tiền thế chấp
Việc chăn thả trâu bò phải đóng tiền thế chấp
Và việc thả vị ra đồng cũng...bị xử phạt
Và việc thả vị ra đồng cũng...bị xử phạt

Cụ thể, mức thu mà HTX đưa ra là 100.000 đồng phí đồng cỏ/con/năm, 300.000 đồng tiền thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, trong "Quy ước bảo vệ đồng điền" do HTX đề ra nghiêm cấm người dân chăn dắt, thả trâu, bò, lợn, dê, vịt, gà, ngan, ngỗng,... trên tất cả các xứ đồng, kể cả bờ mương, bờ kênh do HTX quản lý; các chủ máy gặt, máy lồng đất trước khi xuống đồng phải đăng ký với HTX để có kế hoạch phân bổ diện tích cho từng chủ máy.

Tất cả các trường hợp vi phạm, dù vô tình hay cố ý, đều lập biên bản và tùy theo mức độ vi phạm và thái độ trong từng trường hợp để xử lý một cách khách quan, công bằng, dân chủ, công khai trước tập thể theo quy ước của HTX.

Cụ thể, đối với trâu, bò, dê mỗi con từ 100.000 - 200.000 đồng/1 lần, nếu tái phạm nhiều lần thì phạt mỗi con từ 200.000 - 300.000 đồng; đối với vịt, gà, ngan, ngỗng lần thứ nhất xử phạt mỗi con từ 50.000 - 100.000 đồng/1 con, nếu tái phạm nhiều lần thì mức xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng/1 con.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm