1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Vụ cá chết trên sông Bưởi: Cơ quan tham mưu về môi trường phản ứng chậm

(Dân trí) - Nhà máy đường Hòa Bình xả thải chưa qua xử lý xuống sông Bưởi khiến cá chết hàng loạt, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Trong vụ việc này, các cơ quan tham mưu về môi trường đã phản ứng quá chậm gây hậu quả rất nghiêm trọng.

>> Vụ nước sông đổi màu, cá chết: Thanh Hóa “cầu cứu” Thủ tướng

Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa - cho biết, khi vụ việc xảy ra, các cơ quan tham mưu về môi trường như: Phòng TN&MT huyện Thạch Thành, Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường; các cơ quan chuyên ngành của Sở NN&PTNT như Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thú y... phản ứng chậm, chưa kịp thời tham mưu các biện pháp để giảm bớt thiệt hại cho nhân dân, dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị kiểm điểm rút kinh nghiệm.

UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ngành chức năng giúp dân thu gom, xử lý môi trường
UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ngành chức năng giúp dân thu gom, xử lý môi trường
Tuy nguồn nước sông Bưởi đoạn qua nhiều xã của huyện Thạch Thành đã trong trở lại, nhưng các hộ dân vẫn chưa dám dùng nước
Tuy nguồn nước sông Bưởi đoạn qua nhiều xã của huyện Thạch Thành đã trong trở lại, nhưng các hộ dân vẫn chưa dám dùng nước

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đề nghị, để giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân và mức độ ô nhiễm, biện pháp xử lý môi trường nước sông... Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thanh Hóa thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Bưởi đảm bảo chất lượng nước cho nhân dân ổn định sản xuất và sinh hoạt.

Sau khi vào cuộc xác minh, bước đầu các ngành chức năng 2 tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi là do xả thải của Nhà máy đường Hòa Bình. Các ngành chức năng cũng đã tiến hành lấy mẫu nước đi phân tích để xác định mức độ ô nhiễm. Đồng thời, cơ quan Công an cũng đã vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường của Nhà máy đường Hòa Bình.

Nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân, nhất là những hộ dân sống trên sông Bưởi bị ảnh hưởng
Nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân, nhất là những hộ dân sống trên sông Bưởi bị ảnh hưởng

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo Trung tâm quan trắc và bảo vệ môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường tiến hành quan trắc toàn bộ nước sông Bưởi để thông báo kịp thời cho các địa phương dọc sông Bưởi trong việc sử dụng nước sông Bưởi cho sản xuất và đời sống.

Ông Nguyễn Đức Quyền cho biết, đối với tình trạng cá chết trên sông Bưởi, trước mắt cần tập trung xử lý tiêu hủy, vớt xác cá dưới lòng sông và nghiên cứu phương án cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân nếu thiếu nước sạch.

Cũng theo ông Quyền, tình trạng ô nhiễm trên sông Bưởi rất nghiêm trọng, không những làm chết cá mà còn đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn 15 xã của huyện Thạch Thành và 7 xã của huyện Vĩnh Lộc, sinh sống ven sông Bưởi cũng như vùng hạ lưu.

Gần một tuần qua, những hộ dân sống ven sông Bưởi đã phải “đoạn tuyệt” với nguồn nước sông vì tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đây là nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất chủ yếu của người dân.

Cá thì chết, nước sông thì ô nhiễm, nhiều hộ gia đình chưa biết phải xoay xở như thế nào
Cá thì chết, nước sông thì ô nhiễm, nhiều hộ gia đình chưa biết phải xoay xở như thế nào

Bà Nguyễn Thị Báu, thôn Bãi Cháy, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi cá 4 năm nay rồi, giờ cá chết hết rồi không biết làm sao mà trả được nợ. Nhà có khoảng hơn 400 con cá trắm, trọng lượng từ 2 - 8 kg, có mấy người hỏi mua nhưng tôi chưa bán. Giờ đến nguồn nước sinh hoạt từ sông cũng không dám dùng nữa, người dân chúng tôi chỉ mong được trả lại sự công bằng”.

Trước đó, khi phát hiện vụ việc, các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã thông báo rộng rãi và khuyến cáo người dân không tự ý ăn cá chết dưới sông, không dùng nguồn nước ô nhiễm để sinh hoạt và cho gia súc, gia cầm uống cho đến khi cơ quan có thẩm quyền kết luận nguyên nhân.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm