1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Vụ cá chết hàng loạt: Chưa thỏa mãn với công bố của các Bộ, ngành

(Dân trí) - Liên quan đến hiện tượng cá biển chết bất thường trên diện rộng những ngày qua, chiều 23/4, tại Hà Tĩnh, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế để truy tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, những công bố của các Bộ đưa ra chưa thỏa mãn sự trông đợi của dư luận.

Tại buổi làm việc chiều 23/4, theo báo cáo thống kê ban đầu, hiện tượng thủy hải sản chết bất thường tại các tỉnh Bắc miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề.

Đến thời này vẫn chưa tìm ra nguyên nhân dẫn tới cá chết
Đến thời này vẫn chưa tìm ra nguyên nhân dẫn tới cá chết

Tại Hà Tĩnh, hiện tượng cá chết bắt đầu từ ngày 6/4 tại xã Kỳ Lợi sau đó lan sang các xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh. Đến nay, giá trị thiệt hại ước tính là hơn 4,7 tỷ đồng. Số lượng cá giống bị chết là hơn 37 nghìn con, tôm là 90 vạn con, ngao là 20 tấn. Tại Quảng Bình thì hiện tượng cá chết cũng xuất hiện dọc bãi biển của huyện Quảng Trạch, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có con số thiệt hại cụ thể. Tỉnh Quảng Trị gần 40 tấn cá biển bị chết, tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 6.000 con cá bị chết.

Ngoài ra, hiện tượng cá chết đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như người tiêu dùng.

Sau khi xuất hiện hiện tượng cá chết bất thường, các ngành chức năng đã tiến hành lấy 42 mẫu cá, phân tích 34 mẫu nước ở các tầng khác nhau để xác minh, tìm hiểu nguyên nhân.

Kết quả bước đầu, các tỉnh đều có nhận định chung là những loại cá bị chết thường là loài cá ở tầng đáy, hiện tượng cá chết diễn ra rất nhanh. Các cơ quan chức năng đã bước đầu xác định cá chết không phải là do dịch bệnh, cũng không phải do nguồn nước bị ô nhiễm. Đến nay tình trạng cá chết đã giảm.

“Các thông số về môi trường phân tích như nhiệt độ, pH, độ mặn… đều nằm trong giới hạn cho phép”, đó là kết luận chung của ngành chức năng các tỉnh có hiện tượng cá chết. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế thì có yếu tố hàm lượng oxi trong nước thấp. Tuy nhiên, về nguyên nhân cá chết đến nay vẫn chưa thể xác định.


Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT: Đường ống xả thải của phía Formosa đi ra biển là được các Bộ, ngành cấp phép.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT: Đường ống xả thải của phía Formosa đi ra biển là được các Bộ, ngành cấp phép.

Tại cuộc họp này, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng đã cung cấp thông tin liên quan đến đường ống xả thải nghi vấn được phía Formosa sử dụng để xả chất ô nhiễm.

“Đường ống xả thải của phía Formosa đi ra biển là được các Bộ ngành cấp phép, chứ không phải là đường ống được lắp đặt lén lút. Trước khi xả thải ra biển, phía Formosa đều phải tuân thủ các quy trình xử lý chất thải một cách chặt chẽ” (?!).

Cũng tại cuộc họp này, các ngành chức năng các tỉnh, các chuyên gia từ phía Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT cũng đã đưa ra những hướng giải quyết trước mắt như khẩn trương khắc phục, thu gom cá chết để tiến hành tiêu hủy, tuyệt đối không được tiêu thụ các sản phẩm từ cá chết dưới mọi hình thức. Trước hết, yêu cầu ngừng việc khai thác đánh bắt thủy hải sản gần bờ, cũng như hoạt động nuôi trồng thủy hải sản để chờ các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân cụ thể, chính xác dẫn tới hiện tượng thủy hải sản bị chết.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân dẫn tới cá bị chết hàng loạt
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân dẫn tới cá bị chết hàng loạt

Kết luận cuộc họp, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định: Đây là hiện tượng hết sức bất thường, lần đầu diễn ra trên diện rộng. Điều này đã gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt của người dân, người tiêu dùng…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kết luận về nguyên nhân cá chết hàng loạt tại buổi họp

“Bây giờ vấn đề đặt ra là tìm nguyên nhân. Không có tác nhân do dịch bệnh loại trừ, do môi trường vì những chỉ tiêu môi trường thông thường vẫn đảm bảo, không vượt ngưỡng. Trừ Thừa Thiên Huế, cục bộ 3/6 mẫu vượt mức cho phép. Nay chỉ còn nguyên nhân là nhóm độc tố: Sinh học (tảo độc) hay hóa học, các độc tố khác như kim loại nặng...”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu khẩn trương xác định nguyên nhân cá chết.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu các ngành chức năng, các tỉnh khẩn trương khắc phục, thu gom cá để tiến hành tiêu hủy, tuyệt đối không được sử dụng các sản phẩm từ cá chết dưới mọi hình thức. Cần hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân phân biệt được giữa cá chết và cá được đánh bắt từ những vùng khác về.

Tuy nhiên, những kết luận, công bố của các Bộ, ngành đã không làm thỏa mãn sự trông đợi của dư luận. Thậm chí giới báo chí cũng như người dân còn hết sức thất vọng với kết luận này bởi chưa giải đáp được những nghi ngờ dư luận đặt ra bao lâu nay.

Xuân Sinh – Tiến Hiệp