1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ bé gái 8 tuổi tử vong: Ám ảnh "roi mây thần thánh", "bậc thầy dạy con"!

Trần Thanh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, hành vi sử dụng roi mây, gậy gỗ để "dạy dỗ" một đứa trẻ 8 tuổi là hành vi phi giáo dục. Đây không thể được coi là cách dạy con mà phải nói chính xác là sự bạo hành!

Những ngày qua, dư luận dậy sóng vụ việc bé gái T.T.V.A. (8 tuổi, TPHCM) bị "dì ghẻ" đánh đập, bạo hành đến chết. Liên quan đến vụ việc, ngày 28/12, Công an quận Bình Thạnh (TPHCM) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, vợ sắp cưới của bố bé gái, trú tỉnh Gia Lai) về tội hành hạ người khác.

Vụ bé gái 8 tuổi tử vong: Ám ảnh roi mây thần thánh, bậc thầy dạy con! - 1

Đối tượng Trang tại căn hộ xảy ra vụ việc (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp).

Trang khai nhận nhiều lần dùng roi mây đặt mua trên mạng để đánh đập bé V.A. khiến cơ thể nạn nhân có nhiều vết bầm tím mới, cũ. Thậm chí, những khi roi mây gãy, Trang còn dùng gậy gỗ để đánh bé A.

"Roi mây thần thánh" bày bán tràn lan trên mạng

Trước lời khai của Trang về việc đặt mua roi mây trên mạng, dư luận cũng đặt ra câu hỏi, việc mua bán mặt hàng này một cách tràn lan, công khai như vậy có phải là một dạng mua bán phản cảm, cổ súy cho nạn bạo hành trong giáo dục con trẻ?

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trên các trang web, sàn thương mại điện tử như S.P., L.Z.D... người dùng không khó trong việc tìm kiếm và đặt mua những món hàng như roi mây, được quảng cáo là "bậc thầy dạy con", "chinh phục cả đứa trẻ cứng đầu nhất".

Thậm chí roi mây còn được bán theo "lố" nhiều chiếc, chủ hàng còn cam kết "roi không chất lượng thì không lấy tiền".

Vụ bé gái 8 tuổi tử vong: Ám ảnh roi mây thần thánh, bậc thầy dạy con! - 2

"Roi mây thần thánh" được bày bán công khai, tràn lan trên các sàn thương mại điện tử (Ảnh chụp màn hình).

Để kiểm chứng việc mua bán này, PV Dân trí thử liên hệ với một chủ shop trên sàn thương mại điện tử S.P. Qua giới thiệu, người này nói tên N.T., ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), có thể đáp ứng đủ số lượng roi mây sỉ lẻ.

Theo mô tả của chủ hàng, "roi mây thần thánh" dẻo dai, bền đẹp, giúp cha mẹ dạy bảo con cái dễ dàng hơn. Roi mây có chiều dài 70 cm, đường kính 1 cm, giá bán từ 19 - 20.000 đồng/ que roi. Hàng luôn có sẵn, khách có thể mua theo cuộn hoặc roi mây đã được cắt ngắn sẵn.

Vụ bé gái 8 tuổi tử vong: Ám ảnh roi mây thần thánh, bậc thầy dạy con! - 3

Khách hàng có thể đặt mua nhanh chóng, thậm chí có thể mua cả cuộn hoặc roi đã chặt sẵn (Ảnh chụp màn hình).

Theo quan sát của PV, tại phần phản hồi sản phẩm bên dưới mặt hàng "roi mây thần thánh" trên các sàn thương mại điện tử, không ít người để lại phản hồi "hiệu quả" về công dụng của chiếc roi mây này trong việc dạy dỗ trẻ.

Tài khoản Aeonne bình luận: Hàng nhận đúng như mô tả, 3 cháu nhìn thấy roi chạy té khói, nhìn chung thấy có quyền lực hơn rồi...

Tài khoản Fatcat100197 bình luận: Cây dài lắm, unbox xong mấy bé ngoan hẳn, tiếng vụt nghe rất chân thực.

Thậm chí có tài khoản bình luận: Hàng nhẹ, cầm vừa tay, đánh lâu bị mỏi, bố mẹ thay nhau đánh không sợ hỏng nhé...

Vụ bé gái 8 tuổi tử vong: Ám ảnh roi mây thần thánh, bậc thầy dạy con! - 4

"Dùng roi mây, gậy gỗ dạy con là sự bạo hành dã man"

Nêu quan điểm về việc "roi mây thần thánh" được bán tràn lan trên mạng, chuyên gia Tâm lý, Thạc sĩ Phạm Thị Nguyệt Quyên (Công ty Đào tạo và tư vấn huấn luyện Tâm Trí Thành) cho rằng, khi có cầu thì ắt có cung. 

Nếu nói "roi mây là bậc thầy trong việc dạy con" thì có nghĩa bản thân người bán đang cổ súy cho hành vi bạo lực và những người mua cũng là những người chưa có kỹ năng trong vấn đề giáo dục trẻ.

Theo chuyên gia, dạy trẻ bằng đòn roi không còn phù hợp trong thời đại này. Có rất nhiều cách để chúng ta dạy con, "kỷ luật không nước mắt", quan trọng là các bậc cha mẹ phải chịu tìm hiểu, học hỏi kiến thức hay kỹ năng dạy con. Giải pháp tìm đến bạo lực sẽ kích thích hành vi bạo lực trong tương lai. Và hậu quả chúng ta đã và đang chứng kiến hàng ngày đó là rất nhiều ngưòi tìm đến bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

"Hành vi sử dụng roi mây, gậy gỗ để dạy dỗ một đứa trẻ 8 tuổi là hành vi phi giáo dục. Đây không thể được coi là cách dạy con mà phải nói chính xác là sự bạo hành", chuyên gia nêu quan điểm.

Theo chuyên gia, tuổi thơ của thế hệ trước rất nhiều người trưởng thành và lớn lên từ đòn roi của bố mẹ, thế nên mới có câu "thương cho roi cho vọt". Nhưng đòn roi này chỉ thể hiện sự nghiêm khắc của bậc làm cha, làm mẹ nhưng trong đó vẫn chứa đựng tình thương và mong muốn con cái lớn khôn, chứ không phải coi con cái là dụng cụ để trút giận cảm xúc cá nhân.

Khi xảy sự việc đau lòng này, ai có tội thì cần phải được pháp luật xử lý. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc tương tự trong tương lai? Tại sao người mẹ kế đó có hành vi tàn bạo đến mức như vậy? Việc này chỉ là do mẹ kế thế trách nhiệm của bố đứa trẻ ở đâu? Đằng sau hành vi hành hạ, bạo hành một đứa trẻ như vậy thì nguyên nhân là gì? 

Theo Chuyên gia Phạm Thị Nguyệt Quyên, chúng ta luôn nhìn vào hành vi của một người và kết luận con người đó. Nhưng để giải quyết nguyên nhân gốc rễ thì lại nằm đằng sau những hành vi đó. Đó là những trải nghiệm mà những con người đó đã từng trải qua. Liệu phải chăng bản thân người mẹ kế đó đã từng bị bạo hành, sống thiếu sự yêu thương hay từng chứng kiến những hành động bạo hành, đến nỗi trở thành vô cảm và trở thành một con người vô nhân tính như bây giờ? 

Vụ bé gái 8 tuổi tử vong: Ám ảnh roi mây thần thánh, bậc thầy dạy con! - 5

Chuyên gia Tâm lý, Thạc sĩ Phạm Thị Nguyệt Quyên cho rằng, hành vi sử dụng roi mây, gậy gỗ để dạy dỗ một đứa trẻ 8 tuổi là hành vi phi giáo dục. Đây không thể được coi là cách dạy con mà chính xác là sự bạo hành dã man, phi nhân tính.

"Trước khi lớn lên và trưởng thành thì ai cũng đã từng là đứa trẻ. Nếu kỷ luật mang tính bạo lực bao gồm cả bạo hành tinh thần, hay thể chất vẫn được xã hội chấp nhận thì trẻ em sẽ là người bị tổn thương, trong khi trẻ không có khả năng tự bảo vệ hoặc chưa biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác. Và khi những đứa trẻ đó lớn lên, trẻ sẽ có xu hướng suy nghĩ lệch lạc dẫn đến lệch lạc trong hành vi, thậm chí trở thành con người đầy hận thù, khắc nghiệt hoặc có những hành vi bạo lực tương tự", chuyên gia cho biết. 

Chuyên gia Phạm Thị Nguyệt Quyên khẳng định, sự việc đau lòng xảy ra như một hồi chuông cảnh tỉnh tới toàn xã hội và chính quyền. Khi một đứa trẻ bị bạo hành trong suốt thời gian dài, hàng xóm biết, bảo vệ biết nhưng rõ ràng đã không ai nỗ lực để ngăn chặn, dẫn đến cái chết đau đớn của đứa trẻ chỉ mới 8 tuổi. 

Chúng ta chưa thể ngay lập tức thay đổi được những người có hành vi bạo lực nhưng chúng ta cần phát hiện và ngăn chặn kịp thời để họ không thể gây ra các hành vi bạo lực hay làm tổn hại những người khác, đặc biệt những đứa trẻ mà không có khả năng tự vệ.

Chuyên gia Quyên đưa ra khuyến cáo, khi trẻ em bị bạo hành, rất cần có lực lượng chức năng đứng ra để bảo vệ. Cần có thông báo rộng rãi số điện thoại của các tổ chức trợ giúp để khi có hành vi bạo hành xảy ra, hàng xóm hay những người dân xung quanh có thể thông báo đến các tổ chức đó để có hướng xử lý kịp thời, thậm chí có những trường hợp buộc tách những đứa trẻ bị bạo hành ra khỏi người đang nuôi dưỡng trẻ.

"Chúng ta không chỉ quan tâm chỉ bằng lời nói mà phải quan tâm bằng hành động cụ thể. Khi trẻ được chăm sóc và nuôi dưỡng, dạy dỗ trong sự yêu thương thì lớn lên sẽ không bao giờ làm tổn thương người khác và khi đó sẽ không còn những sự việc đáng buồn tương tự xảy ra", chuyên gia đưa ra lời khuyên.