Vụ bé gái 8 tuổi tử vong: Một dạng bạo hành lạnh, bỏ mặc, cần lên án!
(Dân trí) - "Vô cảm, không phản ứng kịp thời trước cái ác cũng là hành vi vi phạm quyền trẻ em. Một dạng bạo hành lạnh, một dạng bỏ mặc cần lên án".
Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên Dân trí.
Vụ việc bé gái N.T.V.A. (8 tuổi, TP.HCM) bị "mẹ kế" đánh đập, bạo hành đến chết khiến dư luận phẫn nộ.
Liên quan đến vụ việc, ngày 28/12, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với V.N.Q.Tr. (26 tuổi, vợ sắp cưới của bố bé gái, trú tỉnh Gia Lai) về tội hành hạ người khác.
Tr. khai nhận nhiều lần dùng roi mây đặt mua trên mạng để đánh đập bé V.A. khiến cơ thể nạn nhân có nhiều vết bầm tím mới, cũ. Thậm chí, những khi roi mây gãy, Tr. còn dùng gậy gỗ để đánh bé A.
Nhiều trẻ bị bạo hành trong thời gian dịch bệnh
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cho biết, vụ việc đáng tiếc xảy ra với bé gái 8 tuổi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo hành trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch.
Theo đó, chuyên gia cho biết, trong khoảng thời gian giãn cách, nhiều trẻ có nguy cơ chịu tác động căng thẳng đến từ chính các thành viên trong gia đình. Những tổn thương về tâm lý trẻ không kiểm soát được hành vi của mình.
Tình trạng bạo hành con cái một phần cũng do cha mẹ quá căng thẳng và kiệt sức trước ảnh hưởng của đại dịch, chịu nhiều áp lực liên quan đến an sinh xã hội, nghề nghiệp, tài chính… Do đó, thay vì chia sẻ cùng con, nhiều người đã phản ứng với trẻ bằng thái độ tức giận, mắng mỏ, thậm chí dùng đòn roi.
"Nghiên cứu của UNICEF cũng chỉ ra hơn 3/4 những đứa trẻ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình trong thời gian giãn cách, hoặc về tinh thần, hoặc về thể chất, thậm chí là cả hai" - chuyên gia nhấn mạnh.
Tránh rơi vào bẫy "hiệu ứng người đi đường"
PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, qua vụ việc đáng buồn này, các cơ quan chức năng, đặc biệt cơ quan bảo vệ trẻ em, cần vạch ra những chiến lược, biện pháp để ngăn chặn nạn bạo hành trẻ, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện tại.
"Giai đoạn này, cần thiết có những chương trình giáo dục mang tính chất cộng đồng để giúp cha mẹ cân bằng lại cảm xúc của họ. Cần coi những chương trình giáo dục kỹ năng làm cha mẹ như một chương trình cần thiết để khi gặp bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến việc cha mẹ đối xử, giáo dục con cái không được theo chiều hướng tích cực, thì bố mẹ phải đi học luôn, không thể chủ quan với những dấu hiệu ban đầu mà ta cho rằng nó nhẹ nhàng. Bởi đến một lúc nào đó, hành động ấy "leo thang", trở thành hành vi gây ra hậu quả thì thực sự đau xót".
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, một thực tế là nhiều người chưa biết đến sự có mặt của tổng đài bảo vệ trẻ em 111. Theo đó, ở thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng cần truyền thông, phổ biến cho cộng đồng những số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp để khi phát hiện những biểu hiện nghi ngờ, người dân sẽ tìm đến đường dây nóng và nhận được sự trợ giúp.
"Bên cạnh đó, tôi cho rằng, phải tìm cách thuận lợi, phổ biến tới cộng đồng để họ biết được những trang web ẩn danh, phản ánh những vụ việc liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ.
Những cẩm nang được trình bày dưới dạng infographic, video… hướng dẫn cách thức trẻ tự bảo vệ bản thân trước hành vi bạo hành của người lớn, cha mẹ cũng được xem là giải pháp hữu hiệu".
Ở một góc độ khác, chuyên gia Trần Thành Nam chia sẻ, qua vụ việc này, cơ quan chức năng cần giúp cộng đồng làm rõ hiệu ứng "người qua đường" và cách thức vượt qua hiệu ứng này; bởi việc bé gái tử vong do "mẹ kế" bạo hành không chỉ mất mạng vì đòn roi, mà còn vì sự im lặng.
"Hiệu ứng "người đi đường", tức là khi con người trở nên bận rộn, gặp nhiều vấn đề cá nhân cần giải quyết, người ta sẽ mất đi sự đồng cảm đối với nhu cầu cảm xúc và muốn được giúp đỡ của những người xung quanh.
Hiện nay, cuộc sống bon chen nơi đô thị đòi hỏi người lớn phải chú ý và họ chỉ tập trung vào những gì có liên quan đến bản thân, lợi ích, cơm áo gạo tiền. Từ đây, nhiều người dần hình thành thói quen ích kỷ khi chỉ chú ý đến nhu cầu cảm xúc bản thân mà không quan tâm, chú ý đến câu chuyện của người khác vì tốn thời gian dẫu "người khác" đó là chính những đứa con của mình.
Câu hỏi đặt ra là liệu người lớn (cha mẹ, thầy cô) có đang dần trở nên xa cách, kém nhạy cảm và thiếu cảm thông với những đứa trẻ? Liệu rằng khoảng cách tâm lý giữa con cái với cha mẹ, giữa học trò với giáo viên đang ngày càng xa đến mức phụ huynh và thầy cô không phát hiện được những thay đổi trong cuộc sống của việc một đứa trẻ mang thai và lâm bồn trong một thời gian dài? Phải chăng lòng tin của những đứa trẻ với cha mẹ và thầy cô, người lớn khác nói chung đã bị xói mòn đến mức đứa trẻ trong những tình huống khủng hoảng, khó khăn như đến lúc chuyển dạ cũng không dám chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh?" - PGS.TS Trần Thành Nam trăn trở.
Việc người lớn không nhạy cảm với nhu cầu cảm xúc của trẻ, mặc dù nhiều người đã nhìn thấy, chứng kiến và cảm thấy phẫn nộ; nhưng lại vì một số lý do cá nhân nên đã không ra tay giúp đỡ, nhiều khi chỉ là cú điện thoại, hay đưa trẻ đến chỗ an toàn… đã gây ra những hậu quả không thể đảo ngược, ví dụ như trẻ tự tử, trẻ bị chính cha mẹ bạo hành đến chết…
"Vô cảm, không phản ứng kịp thời trước cái ác cũng là hành vi vi phạm quyền trẻ em. Một dạng bạo hành lạnh, một dạng bỏ mặc cần lên án".
Thầy cô cần nhận biết và giúp đỡ trẻ
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông những yếu tố liên quan đến nạn bạo hành trẻ, cần có sự nâng cao kiến thức, kỹ năng về tâm lý trẻ em cho đội ngũ giáo viên; bởi trong trường hợp trẻ bị bố mẹ bạo hành, người tin cậy, nguồn phát hiện tình trạng này sớm nhất sẽ là giáo viên.
"Một thực tế là hiện nay, nhiều giáo viên chưa có lượng kiến thức nhất định về vấn đề tổn thương sức khỏe của trẻ, từ đó rất khó để nhận ra dấu hiệu trẻ bị bạo hành về thể chất hay tinh thần. Đặc biệt, trong quá trình học trực tiếp, việc cô - trò tiếp chỉ giao tiếp trên mạng thì sự thấu cảm lại càng khó khăn do một số vấn đề như: nhiều khi trẻ không bật camera, không có sự tương tác phù hợp… khiến giáo viên khó phát hiện vấn đề bất thường.
Thậm chí, nhiều trường hợp, bản thân thầy cô cũng chính là nguồn khiến cho đứa trẻ căng thẳng hơn, ví dụ như khi trẻ bị tổn thương, bạo hành ở gia đình, điều này khiến kết quả học tập giảm sút; tuy nhiên, cô lại không hiểu và trách phạt trẻ".
Do đó, trong thời gian này, đội ngũ giáo viên cần trang bị cho bản thân những chương trình về nhận diện dấu hiệu trẻ bị tổn thương sức khỏe tâm thần, trẻ có dấu hiệu bạo hành, dấu hiệu xâm hại… để cùng trẻ cảm thông và đưa các con ra khỏi "vùng tối".
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch, nếu xác định những vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần của trẻ này phổ biến, giáo viên cũng cần phải đề ra những cách thức để đánh giá, sàng lọc định kỳ về các vấn đề tâm lý của học sinh.
"Chúng ta cũng cần có những chính sách để xác định những ông bố, bà mẹ có nguy cơ bạo hành cao, bị tổn thương sức khỏe tâm thần từ sớm để có biện pháp tách trẻ ra khỏi "mối lo".
Để làm được điều này thì cần vai trò của bên thứ ba, mà có lẽ khả thi nhất là sự quan tâm, chú ý để thầy cô; sau đó là ý thức của cộng đồng (hàng xóm xung quanh)" - PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất.