Vụ bạo hành trẻ nhiễm HIV: Bảo mẫu nóng nảy, học vấn thấp!
(Dân trí) - "Một số bảo mẫu trước đây có học vấn thấp. Họ đã được tham gia các khóa tập huấn về tâm lý và chăm sóc trẻ em nhưng sự tiếp thu hạn chế, tính cách nóng nảy nên không kiềm chế được hành vi của mình khi chăm sóc các cháu bị các bệnh về thần kinh, chậm phát triển, nhiễm HIV/AIDS...".
Sự việc bạo hành trẻ nhiễm HIV tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân đã được xử lý ra sao, thưa ông?
Ngay sau khi nhận được thông tin nhiều trẻ em bị bảo mẫu đánh bằng tay, bằng dép trong bữa ăn tại nơi tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV/AIDS của Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, Cục Bảo trợ Xã hội đã có văn bản đề nghị Sở LĐ-TB&XH TPHCM khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin.
Trong sáng 6/4, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã cử Tổ công tác làm việc với Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân. Sở cũng thành lập Đoàn Thanh tra trách nhiệm thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện pháp luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhiệm vụ nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em tại Trung tâm.
Sở nhận định việc nhân viên chăm sóc đánh trẻ em dù dưới hình thức nào cũng là vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo giám đốc Trung tâm thực hiện các giải pháp để chặn đứng hiện tượng này.
Đồng thời, Sở đã yêu cầu các Trung tâm Bảo trợ xã hội rà soát lại công tác nuôi dưỡng chăm sóc đối tượng đảm bảo quy định. Sau khi có kết luận của Đoàn thanh tra, sẽ xử lý các trường hợp vi phạm và báo các cơ quan có thẩm quyền, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo ông nguyên nhân của sự việc đáng tiếc này là gì?
Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa là việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhân viên chăm sóc chưa phù hợp. Ban Giám đốc của Trung tâm chưa làm tròn trách nhiệm, vai trò trong việc hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động chăm sóc trẻ em của nhân viên.
Ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)Theo quy định hiện hành, các bảo mẫu tại các cơ sở như Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân có cần được đào tạo để đảm nhận công việc không?
Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 34/2010/TT-BLĐTBXH ngày 08/11/2010 quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội.
Theo đó, các nhân viên công tác xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc trẻ em cần phải được đào tạo các chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học hoặc các chuyên ngành khoa học xã hội phù hợp với nhiệm vụ công tác xã hội ở trình độ Trung cấp.
Vậy theo báo cáo, các bảo mẫu gây ra sự việc có được đào tạo chuyên môn không, thưa ông?
Theo báo cáo, có một số bảo mẫu trước đây có học vấn thấp. Họ đã được tham gia các khóa tập huấn về tâm lý và chăm sóc trẻ em nhưng sự tiếp thu hạn chế, tính cách nóng nảy nên không kiềm chế được hành vi của mình khi chăm sóc các cháu bị các bệnh về thần kinh, chậm phát triển, nhiễm HIV/AIDS...
Theo quy định, bảo mẫu làm việc tại trung tâm phải được đào tạo về xã hội học, tâm lý học...Liên quan tới sự việc trên, quan điểm của Cục Bảo trợ xã hội ra sao, thưa ông?
Cục Bảo trợ xã hội cho rằng các hành vi bạo hành trẻ em đều vi phạm pháp luật bảo vệ trẻ em. Cục đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tại TPHCM khẩn trương xác minh, kết luận.
Trong đó cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị, tập thể, cá nhân có liên quan và đề xuất xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm theo pháp luật hiện hành.
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ việc liên quan tới xâm phạm trẻ em như vụ mua bán trẻ em tại Chùa Bồ Đề (Hà Nội) và vụ việc bạo hành trẻ nhiễm HIV tại TPHCM. Là một cơ quan chức năng liên quan, Cục Bảo trợ xã hội có ý kiến gì?
Qua một số vụ việc nêu trên, tôi cho rằng chúng ta cần đánh giá kỹ về nguyên nhân xảy ra vụ việc và xác định các giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, chúng ta cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm theo quy định.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác phối kết hợp, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ sở và đội ngũ nhân viên công tác xã hội. Công tác lựa chọn và sắp xếp nhân viên công tác xã hội, nhân viên chăm sóc cần phù hợp hơn.
Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với báo chí để nâng cao hiệu quả tuyên truyền và phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những hành vi sai lệch.
Xin cảm ơn ông!
Cần xem xét lại công tác tuyển dụng bảo mẫu Trao đổi với báo chí tối ngày 6/4, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm nhận định, vụ việc một số bảo mẫu Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân bạo hành trẻ trong bữa ăn đã gây xôn xao dư luận bởi tính chất nguy hiểm và bạo ngược. Càng nhức nhối hơn khi nạn nhân là những cháu bé đang mắc căn bệnh HIV/AIDS. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Bộ đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH TPHCM trực tiếp tới Trung tâm để xác minh sự việc. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ gửi báo cáo nhanh lên Chính phủ trong sáng ngày 7/4. “Điều chúng ta cần quan tâm là đạo đức, tình cảm và trách nhiệm của các bảo mẫu chăm sóc các cháu. Đây là vấn đề quyết định. Đặc biệt khi nơi đây có nhiều cháu bị bỏ rơi rất cần có một tình thương, một sự chăm sóc đặc biệt và ân cần của người mẹ” - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nói. Trả lời câu hỏi về công tác giám sát của các cơ quan chức năng thời gian qua với những cơ sở nuôi dưỡng như Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, ông Đàm cho biết, việc giám sát vẫn được triển khai thường xuyên nhưng còn hạn chế do đội ngũ cán bộ có hạn. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm “Khi được giám sát thì trung tâm triển khai tốt, khi không có giám sát thì lại xảy ra việc này việc kia. Như vậy, vấn đề trách nhiệm chính vẫn là của từng trung tâm, cơ sở tự thực hiện cho tốt, chứ không chỉ phải lo đối phó với việc giám sát” - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nói. Điều này đòi hỏi ý thức của những người lãnh đạo trung tâm, cơ sở, họ cần coi đó là công việc thường xuyên, tự phải kiểm tra và đánh giá và phân loại đánh giá đúng trách nhiệm của mình. “Nếu không nhờ báo chí phát hiện ra những sự việc như thế này, chúng ta vẫn nghĩ là tốt đẹp. Cuối năm vẫn bình bầu đánh giá việc ai hoàn thành tốt nhiệm vụ, ai lao động tiên tiến. Cho nên công tác kiểm tra sẽ cần phải làm thường xuyên hơn nữa sau sự việc này. Ông Đàm cho rằng, công tác tuyển dụng những nhân sự vào làm việc tại các Trung tâm này cần lưu ý tới yếu tố hàng đầu là đạo đức và cá tính. “Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiêm túc rà soát lại các tiêu chuẩn tuyển chọn nhân sự tại các mô hình này, không thể vì khó tuyển được người mà không làm kỹ. Những người không có tính cách phù hợp không nên tham gia vào công việc này”. |
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân được thành lập theo Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 30/3/2010 của Chủ tịch UBND TPHCM với chức năng giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc và chữa bệnh cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhiễm HIV/AIDS từ sơ sinh đến 16 tuổi, gồm 4 khoa: Sơ Sinh, Măng Non, Tuổi Hồng, Tuổi Xanh. Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng tổng số 117 trẻ em, tất cả số trẻ em này đều là trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS. Các nội dung báo chí phản ánh xảy ra tại Khoa Măng Non - nơi đang nuôi dưỡng 26 trẻ em từ 3-6 tuổi với 13 nhân viên chăm sóc.
Hoàng Mạnh (thực hiện)