1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ ăn nhậu trên “du thuyền”: Các “đại gia” là ai?

Việc nạn nhân bước ra khỏi lan can phà khá cao rồi tự rơi xuống nước là điều cần xem xét một cách thấu đáo, nếu không sẽ bỏ sót kẻ làm chết người.

Thông tin về việc 4 “đại gia”, 2 lãnh đạo VKSND huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cùng 6 cô gái trẻ ăn nhậu trên “du thuyền”, sau đó một cô bị té sông chết hiện vẫn chưa có kết luận từ phía CQĐT. Trong khi, dư luận đang rất quan tâm đến danh tính các “đại gia”, cách xử lý đối với 2 vị cán bộ cũng như nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân.

 

Thuê người vớt xác

 

Bước đầu xác định danh tính chính thức được mời tham gia cuộc chơi “du thuyền” là 2 ông Nguyễn Kim Đoạn, Viện trưởng và Nguyễn Hương Giang, Phó Viện trưởng VKSND huyện Cần Giuộc.

 

Nhân vật khá quan trọng khác mà nhiều người đề cập là ông Quang, ngụ huyện Cần Đước, chủ một cửa hàng mua bán xe gắn máy ở trung tâm huyện. Theo người dân ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, sau khi nạn nhân Đinh Thị Kim Phượng rớt xuống sông, chính ông Quang thuê người lặn tìm vớt xác và bỏ ra 15 triệu đồng cho nhóm thợ lặn đem nạn nhân lên bờ.

  

Nhân vật thứ hai có tên Tuấn, nhân viên một bưu cục ở huyện Cần Giuộc, có thêm nghề tay trái là mua bán bất động sản. Hai người còn lại kinh doanh mua bán ở quận 7 - TPHCM, do mối quan hệ làm ăn nên Tuấn, Quang liên lạc với 2 “đại gia” này rồi mời ông Đoạn, Giang đi chung chuyến cho thêm phần long trọng.

 

Người dân ấp Nhựt Long còn phản ánh, lúc nạn nhân mất tích và sau đó được vớt lên bờ, ông Đoạn, Giang không ở lại chứng kiến mà thuê xe ôm về trước.

 

Tự té chết đuối?

 

Khi sự việc xảy ra cùng với kết quả khám nghiệm hiện trường, Cơ quan Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Long An kết luận nạn nhân Đinh Thị Kim Phượng chết do ngạt nước.

 

Nhưng chị Phượng tự té chết đuối hay bị kéo xuống tắm hoặc bị ai đó rượt đuổi đùa giỡn trên “du thuyền”, nạn nhân bị trượt chân rơi xuống sông? Kết quả lấy lời khai của 12 người (có 14 người trên thuyền), câu trả lời chung là do nạn nhân tự té xuống sông.

 

Theo một vài nhân chứng có mặt tại khu vực này, chiếc phà mà các “đại gia” thuê để ăn nhậu và vui chơi đậu ngay đoạn cua của dòng sông nên nước chảy xoáy rất mạnh, chỉ có người biết bơi hoặc có áo phao mới dám ra.

 

Việc chị Phượng bước ra khỏi lan can phà khá cao rồi  tự rơi xuống nước là điều cần xem xét một cách thấu đáo, nếu không sẽ bỏ sót kẻ làm chết người.

 

Lần theo địa chỉ của các “mỹ nữ” tham gia ăn nhậu trên “du thuyền” của “đại gia” trên sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa phận ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, chúng tôi khá bất ngờ khi được biết họ xuất thân từ nhiều vùng quê khác nhau và hiện là công nhân của một công ty có vốn nước ngoài tọa lạc ở địa bàn huyện Bến Lức.

 

Nạn nhân Đinh Thị Kim Phượng (SN 1991) làm chung nhóm, mới ly thân với chồng và có một con khoảng 18 tháng tuổi. Cô thường đi chơi với bạn bè và thỉnh thoảng được một số “đại gia” mời đi ăn uống. Hôm đó, ông Quang là người đã mời cô tham gia cuộc chơi.

 

Một nhân chứng làm nghề giăng bắt cá ở tại nơi xảy ra vụ chết đuối cho biết khi thấy nhóm nam nữ đang tắm sông, ông không nhìn nhưng có nghe nhiều tiếng cười đùa, trêu ghẹo rồi tiếng la: “Đừng kéo tôi xuống, tôi không biết bơi, trong túi quần có hai ĐTDĐ ướt hết”. Tưởng họ chỉ la cho vui không ngờ hậu quả xảy ra.

 

Người này còn nói: “Xuống sông họ tắm với nhau vui lắm. Các anh, các cô chơi đủ trò lạ mắt, mới thấy lần đầu. Chơi như vậy mới gọi là “đại gia” được?!”.

 

VKSND Tối cao đang nắm vụ việc

 

Nguồn tin từ Công an huyện Tân Trụ, chiều 31/8, VKSND Tối cao vừa điện thoại cho CQĐT Công an huyện để nắm tình hình liên quan đến vụ việc, trong đó đề cập việc 2 vị viện trưởng, phó viện trưởng huyện Cần Giuộc liên quan như thế nào đến vụ chết đuối, mối quan hệ với các “mỹ nữ” đưa xuống “du thuyền” ăn nhậu…

 

 

Theo Hoàng Minh

 Người lao động