1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ 9 người thương vong do ngạt khí lò vôi: Dừng tất cả các lò vôi trên địa bàn

(Dân trí) - Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân cũng như phục vụ công tác điều tra của cơ quan Công an, UBND huyện Nông Cống đã yêu cầu tất cả các lò vôi trên địa bàn dừng hoạt động, phong tỏa lò vôi nơi xảy ra vụ việc khiến 9 người thương vong chiều 1/1 vừa qua.

 

Dừng hoạt động các lò vôi thủ công

Dừng mọi hoạt động của các lò vôi

Sáng ngày 3/1, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Xuân Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết, sau khi Phó chủ tịch UBND tỉnh vào kiểm tra thực tế tại hiện trường đã chỉ đạo huyện yêu cầu tất cả các lò vôi trên địa bàn dừng hoạt động.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 2/1, tất cả các lò vôi trên địa bàn phải dừng mọi hoạt động, chờ đến khi ngành chức năng kiểm tra đủ điều kiện đảm bảo an toàn mới cho hoạt động trở lại. Riêng lò vôi của gia đình ông Lê Văn Thong - nơi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng khiến 9 người thương vong đang được phong tỏa để cơ quan điều tra làm việc.

Hiện nay trên địa bàn huyện Nông Cống còn 7 lò vôi thủ công
Hiện nay trên địa bàn huyện Nông Cống còn 7 lò vôi thủ công

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Nông Cống còn tồn tại 7 lò vôi thủ công của các hộ gia đình. Những lò vôi này trước đây sản xuất phục vụ xây dựng. Tuy nhiên, thời gian gần đây chủ yếu để làm nguyên liệu cải tạo đồng ruộng. UBND huyện chỉ đạo chính quyền địa phương cấm người dân qua lại ở khu vực núi vôi làng Yên Thái, xã Hoàng Giang nơi xảy ra vụ ngạt khí.

Ông Ngô Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng có lộ trình xóa bỏ các lò vôi thủ công trên địa bàn. Đồng thời giao các huyện chuyển đổi ngành nghề cho các hộ sản xuất.

Theo lộ trình mỗi năm giảm 20%, đến năm 2020 sẽ từng bước xóa bỏ các lò vôi thủ công này. Đối với các lò vôi đang sản xuất, các cơ quan chức năng, Sở lao động Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương, UBND xã phải yêu cầu chủ lò phải đảm bảo về an toàn lao động là việc đầu tiên.

“Khi xóa bỏ thì phải chuyển đổi ngành nghề cho các hộ để đảm bảo được đời sống, có việc làm. Tỉnh đã giao các ngành chức năng rà soát trên từng địa bàn cụ thể có bao nhiêu lao động, công suất sản xuất bao nhiêu, trên cơ sở đó đề xuất với tỉnh về chính sách, chế độ hỗ trợ cho chuyển đổi”, ông Tuấn cho biết.

UBND huyện đã yêu cầu các lò vôi dừng sản xuất
UBND huyện đã yêu cầu các lò vôi dừng sản xuất

Liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng trước vụ việc này, ông Tuấn cho biết: “Sau lần này, chúng tôi sẽ giao cho UBND huyện và UBND xã cương quyết phối hợp với các ngành kiểm tra, nếu như lò vôi nào không đảm bảo an toàn thì cương quyết không cho sản xuất, thậm chí dùng cả biện pháp cưỡng chế không cho sản xuất. Tất cả các trường mà để xảy ra tai nạn lao động trên địa bàn thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và UBND tỉnh sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Sau này UBND tỉnh sẽ có những chỉ đạo rất cụ thể về việc xử lý những vi phạm”.

Bước đầu, Công an tỉnh Thanh Hóa nhận định, các nạn nhân gặp nạn là do ngạt khí CO. Cũng theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thì hiện tại, nạn nhân Lê Thị Nguyên đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực về sức khỏe. Hiện, bệnh viện đang tập trung, cố gắng hết sức để cứu chữa cho bệnh nhân Nguyên.

Cả làng tiễn đưa 8 nạn nhân tử vong vì ngạt khí

Ngày đầu năm 2016, cả vùng quê xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống bàng hoàng trước sự ra đi của 8 con người vốn thường ngày lầm lũi mưu sinh. Những tiếng khóc xé lòng xua tan không khí vốn bình yên nơi vùng quê nghèo. Khắp các đường làng, ngõ xóm đâu đâu cũng thấp thoáng hình bóng những chiếc khăn tang.

Những chiếc xe tang tiễn đưa các nạn nhân
Những chiếc xe tang tiễn đưa các nạn nhân

Vùng quê vốn yên bình đang gánh chịu nỗi đau quá lớn, những người gặp nạn chủ yếu trong gia đình. Đến chiều ngày 2/1, cả làng tổ chức lễ an táng cho 8 nạn nhân. Những tiếng gào khóc thảm thiết bên thi thể của các nạn nhân khiến những người chứng kiến không thể cầm lòng.

Gần như toàn bộ người dân thôn Yên Thái đã gác lại công việc gia đình để tiễn đưa các nạn nhân về nơi an nghỉ. Chưa bao giờ vùng quê nghèo lại phải chứng kiến cảnh tang tóc như hôm nay. Những tiếng khóc ai oán hòa lẫn trong những hồi trống tạo nên thứ âm thanh nghe đến não lòng.

Người dân tập trung tại nhà tang lễ tiễn đưa các nạn nhân
Người dân tập trung tại nhà tang lễ tiễn đưa các nạn nhân
Những chiếc quan tài của các nạn nhân trong cùng một gia đình
Những chiếc quan tài của các nạn nhân trong cùng một gia đình

Gia đình ông Lê Văn Thong sinh được ba người con đều đã lập gia đình. Người con trai đầu, con gái thứ hai là chị Lê Thị Mai (30 tuổi) cưới chồng ở trong làng. Người con gái thứ ba Lê Thị Nga (26 tuổi) lấy chồng, sống ở miền Nam. Chồng chị Nga mới đi xuất khẩu lao động, chị Nga mới về sống với bố mẹ và đã mang bầu 5 tháng tuổi.

Đau lòng hơn khi chị gái ông Thong tên Lê Thị Sông (60 tuổi) bị thần kinh, khi những người thân gào khóc bên thi thể các nạn nhân, bà vẫn ngồi trong buồng, thi thoảng lại cười lên như không có chuyện gì xảy ra.

Nghĩa trang Đá Bia, xã Hoàng Giang ngày đầu năm nghi ngút khói hương, những tiếng gào khóc thảm thiết, từng dòng người lặng lẽ theo sau những chiếc xe tang để tiễn đưa các nạn nhân về nơi an nghỉ…

Nghĩa trang Đá Bia, xã Hoàng Giang
Nghĩa trang Đá Bia, xã Hoàng Giang
Khăn tang phủ trắng vùng quê
Khăn tang phủ trắng vùng quê
Vùng quê vốn yên bình đang gánh chịu nỗi đau quá lớn
Vùng quê vốn yên bình đang gánh chịu nỗi đau quá lớn

Duy Tuyên

 

Vụ 9 người thương vong do ngạt khí lò vôi: Dừng tất cả các lò vôi trên địa bàn - 9