1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ 4 tiếp viên VNA mang ma túy từ Pháp về Việt Nam: Có người nhờ xách?

Xuân Duy Tâm Linh

(Dân trí) - Liên quan vụ 4 tiếp viên Vietnam Airlines mang ma túy từ Pháp về Việt Nam, Cục Hải quan TPHCM tổ chức họp báo.

Chiều 17/3, Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, chủ trì buổi họp báo, thông tin về việc phát hiện hơn 10kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp trong các hộp kem đánh răng do 4 tiếp viên hãng Vietnam Airlines mang từ Pháp về Việt Nam.

Vụ 4 tiếp viên VNA mang ma túy từ Pháp về Việt Nam: Có người nhờ xách? - 1

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM (Ảnh: XD).

Tại buổi họp báo, các đơn vị chức năng đã thống nhất phương án xử lý tiếp theo. Theo đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tiến hành trưng cầu giám định tang vật (nghi vấn là ma túy) đã thu giữ trong vụ việc.

Sau khi có kết quả giám định, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gửi công văn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC04) Công an TPHCM tiếp nhận điều tra xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện các bước nghiệp vụ liên quan.

Vụ 4 tiếp viên VNA mang ma túy từ Pháp về Việt Nam: Có người nhờ xách? - 2

Tang vật thu giữ (Ảnh: Hải quan cung cấp)

Bước đầu xác định 4 nữ tiếp viên mang ma túy là N.T.Th., V.T.Q., T.T.T.N. và N.T.V.. Những người này đã vận chuyển tổng cộng 8.400 gram viên nén màu xám và 3.080 gram chất bột màu trắng (theo cân điện tử tại Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu).

Số chất này được cất giấu, ngụy trang trong các hộp kem đánh răng. Tiến hành lấy mẫu thử nhanh, kết quả cho thấy mẫu thử có phản ứng dương tính với thuốc thử Cocain, Ketamine.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết thời điểm bị phát hiện, kiểm tra, các nữ tiếp viên rất hợp tác. Qua lời khai ban đầu, tiếp viên cho rằng lúc ở Pháp, được một người nhờ "xách tay một số hàng hóa về nước" và trả công hơn 10 triệu đồng. Khi đó, tiếp viên xem qua hàng hàng hóa là vài hộp kem và không thấy bất thường...

Vụ 4 tiếp viên VNA mang ma túy từ Pháp về Việt Nam: Có người nhờ xách? - 3

Tang vật được cơ quan hải quan phát hiện (Ảnh: Cục Hàng không cung cấp).

Trước đó ngày 16/3, tại chuyến bay VN10 chặng bay CDG-SGN (từ Pháp về TPHCM) hạ cánh lúc 8h10 phút, đội Hải quan hành lý nhập khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã tạm giữ 4 nữ tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines cùng hành lý để kiểm tra. Qua kiểm tra, hải quan phát hiện bên trong hành lý có chứa chất cấm (nghi là ma túy) được chứa trong các hộp kem đánh răng.

Thông tin từ Vietnam Airlines cho biết, hãng đã quyết định đình chỉ thực hiện nhiệm vụ đối với 4 tiếp viên nêu trên, phục vụ công tác điều tra. Các cá nhân vi phạm quy định pháp luật, vi phạm nội quy lao động đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định.

Liên quan việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa bằng đường hàng không.

Thực tế, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy qua tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện sử dụng các thủ đoạn ngụy trang tinh vi như bỏ ma túy vào ngăn giả các túi xách, bao bì, trong các lọ thuốc, thực phẩm chức năng, các hộp bánh kẹo, mỹ phẩm, trong vật dụng gia đình hoặc nuốt ma túy trong người... nhằm đối phó với sự kiểm tra của máy soi và chó nghiệp vụ.

Theo thống kê từ Cục Hải quan TPHCM, đầu năm 2023 đến ngày 14/3, đã phát hiện 44 vụ vi phạm về lĩnh vực hải quan, trong đó bắt giữ 8 vụ vi phạm về ma túy với khối lượng tang vật gần 15kg ma túy các loại. Cục Hải quan TPHCM đã chỉ đạo hải quan sân bay Tân Sơn Nhất (đặc biệt đội Thủ tục Hành lý nhập khẩu) tập trung kiểm tra, kiểm soát các đối tượng với tần suất di chuyển thường xuyên, đặc biệt là các tuyến đường từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… để sàng lọc, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.