Voọc mông trắng và “sự trở về chính ngôi nhà của mình”
(Dân trí) - Những năm 90 thế kỷ XX, những cá thể Voọc mông trắng tồn tại và phát triển ở danh thắng Tràng An nhưng sau đó đã bị xóa sổ bởi nạn săn bắn, bẫy bắt. Giờ đây chúng lại được trở về ngôi nhà của mình.
Tìm Voọc mông trắng từ chiếc tem bưu chính
Gần 30 năm trước, nhiều người cho rằng loài Voọc mông trắng (tên khoa học: Trachypithecus delacouri) không còn tồn tại trên hành tinh chúng ta. Loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, có tên trong “Sách đỏ” của Việt Nam và thế giới bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu.
Từ chiếc tem có hình Voọc mông trắng do Bưu chính Việt Nam phát hành năm 1959 được lưu giữ ở Cộng hòa Liên bang Đức, một số nhà khoa học ở đây đã có sáng kiến là phải đến Việt Nam tìm kiếm lại loài Voọc quý hiếm này .
Đầu những năm 1990, một nhóm chuyên gia Đức đã đến Việt Nam và đến vườn quốc gia Cúc Phương. Họ cùng với cán bộ vườn đi khảo sát trong rừng và phát hiện ra loài Voọc mông trắng vẫn còn phân bố tự nhiên tại đây.
Dự án “Bảo tồn các loài Linh trưởng quý hiếm của Việt Nam” tại vườn quốc gia Cúc Phương được ra đời từ đó. Đây là sự hợp tác giữa Hội động vật Frankfurt, vườn thú Leipzig Cộng hòa Liên bang Đức và vườn quốc gia Cúc Phương.
Cho tới nay dự án đã hợp tác triển khai sang giai đoạn thứ 5 (2019-2023). Một trong những kết quả của dự án là thành lập một Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam. Tại đây trung tâm này hiện đang cứu hộ và bảo tồn gần 200 cá thể của 16 loài và phân loài linh trưởng quý hiếm.
Tất cả các cá thể linh trưởng tại trung tâm đang được chăm sóc tốt. Có loài đã cho sinh sản thành công, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới. Đó là: Voọc mông trắng, Voọc Hà Tĩnh và Voọc chà vá chân xám.
Cùng với công tác cứu hộ, chăm sóc nuôi sinh sản, mục tiêu quan trọng của dự án là tiến hành tái thả một số loài linh trưởng quý hiếm nhằm phục hồi quần thể ngoài tự nhiên nơi chúng phân bố.
Với sự nỗ lực của các bên, từ năm 2000 dự án đã tái thả thành công cho hàng trăm cá thể của các loài linh trưởng quý hiếm trở lại tự nhiên. Điển hình như năm 2007 thả 8 cá thể Voọc Hà Tĩnh vào vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; năm 2011 thả 03 cá thể Voọc mông trắng vào Khu bảo tồn Đất ngập nước Vân Long; năm 2016 thả 6 cá thể Voọc Hà Tĩnh vào và Bảo tồn Kẻ Gỗ và gần 50 cá thể 2 loài Cu li lớn và Cu li nhỏ vào vườn quốc gia Cúc Phương.
Tất cả những cá thể này đã hòa nhập, sinh trưởng và phát triển rất tốt ở môi trường tự nhiên. Từ những thành công ban đầu, dự kiến trong những năm tới dự án tiếp tục tái thả khoảng trên 30 cá thể các loài Voọc mông trắng, Voọc Hà Tĩnh, Chà vá chân đỏ về với môi trường tự nhiên.
Sự trở về chính ngôi nhà của mình
Ngày 27/8, tại Ninh Bình, vườn Quốc gia Cúc Phương phối hợp với Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (FOUR PAWS Việt) đã tổ chức chuyển giao và tái thả 3 cá thể voọc mông trắng về với tự nhiên tại khu Đảo Ngọc thuộc Quần thể danh thắng Tràng An.
Danh trắng Tràng An - nơi đây, trước những năm 90 của thế kỷ XX vẫn còn tồn tại những cá thể Voọc mông trắng, nhưng chúng đã bị xóa sổ bởi tệ nạn săn bắn và bẫy bắt. Việc tái thả loài Voọc mông trắng vào Quần thể danh thắng Tràng An nhằm từng bước khôi phục bảo tồn loài này trong tự nhiên và là điểm nhấn và hấp dẫn cho du khách đến nơi đây, đồng thời sẽ là cơ hội cho công tác bảo tồn và giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên cho du khách.
Ông Tilo Nadler, Giám đốc Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp Cúc Phương (Vườn quốc gia Cúc Phương) chia sẻ, khá bất ngờ khi ông cùng những người làm công tác nghiên cứu động vật hoang dã đã không tìm thấy bất kỳ đàn Voọc mông trắng nào ở Tràng An (Hoa Lư), trong các cuộc khảo sát sau năm 2000.
“Vào những năm của thập niên 90, chúng tôi đã đi điều tra ở đây và đã quan sát được một số đàn Voọc mông trắng trong khu vực này. Nhưng khoảng 10 năm sau thì chúng đã biến mất. Đó là một kết quả đáng buồn”, ông Tilo Nadler nói.
Giám đốc Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp Cúc Phương cho biết thêm, để tránh sự mất đi của loài Voọc mông trắng, Hội Động vật học Frankfurt đã hỗ trợ Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình) được thành lập vào năm 2001. Nhờ vào sự nỗ lực của các bên, số lượng quần thể Voọc mông trắng ở đây đã tăng gấp 4 lần trong suốt 20 năm qua (từ khoảng 50 cá thể trước đây, nay đã lên hơn 200 cá thể).
Việc thành lập một quần thể Voọc mông trắng mới ở Tràng An được đề xuất trong kế hoạch hành động về bảo tồn Linh trưởng Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt. Để thực hiện kế hoạch này, bước đầu tiên bây giờ là chuyển giao một số cá thể Voọc mông trắng từ Cúc Phương đến Đảo Ngọc ở Quần thể danh thắng Tràng An.
“Tôi hy vọng với các hoạt động trong tương lai, chúng ta có thể đưa Voọc mông trắng trở lại, không phải trở về đảo - mà là về với Tràng An hoang dã, như chúng đã từng thuộc về nơi đây”, ông Tilo Nadler nói.
Ông Phạm Sinh Khánh, Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An chia sẻ, việc chuyển giao Vọc mông trắng về Quẩn thể danh thắng Tràng An có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, góp phần làm giàu các giá trị của di sản, đặc biệt là các giá trị về đa dạng sinh học…
“Sự kiện ngày hôm nay hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và đặc biệt, góp phần khẳng định cam kết của tỉnh Ninh Bình nói riêng và của Việt Nam trong việc thực hiện các Công ước và Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký tham gia, đặc biệt là Công ước Di sản Thế giới đã được Đại hội Đồng UNESCO thông qua năm 1972”, ông Khánh nói.