1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vỡ mộng đổi đời: Mỏi mòn chờ ly hôn

Quy định về trình tự ly hôn giữa người Việt Nam và người nước ngoài còn nhiều khắt khe, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp nên gây thiệt thòi cho cô dâu Việt.

Trường hợp của chị Tr.T.S (ngụ huyện Thốt Nốt - Cần Thơ), nhân vật chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước, là một câu chuyện buồn kéo dài hơn chục năm.

“Chắc là ở giá...”

Sau khi làm giấy kết hôn với chồng tại Sở Tư pháp TP Cần Thơ, chị mòn mỏi chờ chồng bảo lãnh qua Đài Loan trong vô vọng. Cuối cùng, giữa năm 2005, chị tìm đến TAND TP Cần Thơ xin ly hôn. Tòa yêu cầu phải có ý kiến của chồng, không có tiền mua vé máy bay qua Đài Loan, chị ky cóp thuê người phiên dịch gửi thư cho chồng theo địa chỉ trước đây ông ta đưa nhưng bưu điện trả về vì “địa chỉ trên đã thay đổi”.

Nhiều lần gửi thư vẫn không có kết quả, chị S. đến tòa án để trình bày thì vẫn nhận được câu dứt khoát: “Phải có ý kiến của chồng”. Năm 2009, chị tiếp tục nộp đơn ra tòa án xin ly hôn nhưng tòa lại trả hồ sơ. Chị phải nhờ luật sư hỗ trợ các thủ tục cần thiết như nộp đơn tại tòa, chờ Bộ Ngoại giao gửi hồ sơ ủy thác tư pháp sang cơ quan có thẩm quyền ở Đài Loan thông báo về việc xin ly hôn của chị. Hai lần ủy thác tư pháp, tòa án không nhận được phản hồi từ phía Đài Loan, vụ việc lại rơi vào bế tắc. “Tôi đã 33 tuổi, chắc là ở giá làm lụng nuôi cha mẹ...” - chị S. thở dài.

Một buổi phỏng vấn
đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Sở Tư pháp TPHCM.

Một buổi phỏng vấn đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Sở Tư pháp TPHCM.

Lấy chồng qua mai mối, sau khi vay nợ để có tiền đoàn tụ cùng chồng ở Đài Loan, chị H.T.C (ngụ TPHCM) phát hiện chồng vẫn tiếp tục sống với người vợ cũ. Không chấp nhận cảnh chồng chung, chị C. bỏ về Việt Nam và bị chồng kiện ra tòa án ở Cao Hùng - Đài Loan. “Vừa ly hôn với tôi xong, ông ta tiếp tục kết hôn và chung sống với người phụ nữ khác” - chị C. bức xúc.

Do không có điều kiện tham dự phiên tòa tại Đài Loan nên nội dung bản án ghi nhận gần như toàn bộ lời khai của người chồng, gây bất lợi cho chị C. Trở về Việt Nam, chị C. nộp hồ sơ theo thủ tục ghi chú ly hôn nhưng bị Sở Tư pháp từ chối với lý do nội dung trong bản án thể hiện không rõ ràng, buộc chị phải bổ sung bản sao hộ khẩu của người chồng cũ.

Thế nhưng, người chồng không cung cấp bản sao hộ khẩu nên chị phải nộp hồ sơ ra tòa án xin được ly hôn. Từ lúc nộp hồ sơ đến khi có bản án ly hôn kéo dài gần 2 năm do tòa án phải chờ văn bản trả lời về việc ủy thác tư pháp. Có bản án rồi, chị C. phải chờ thêm 6 tháng để tòa án tống đạt hợp lệ cho người chồng. Tính ra, phải mất gần 3 năm chị C. mới được tự do.

Không khó để “cởi trói”

Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng có nghịch lý là trên cùng một đất nước, cùng một hệ thống pháp luật nhưng mỗi tòa án lại xử lý khác nhau, gây thiệt thòi cho cô dâu Việt. Trong khi TAND TPHCM, An Giang, Đồng Tháp… nhận đơn ly hôn của cô dâu Việt với người nước ngoài thì tòa án các nơi khác như Cần Thơ, Hậu Giang… lại từ chối.

Lý do để các tòa án từ chối là nguyên đơn chưa cung cấp đủ chứng cứ hợp pháp chứng minh bị đơn đang ở một địa chỉ cụ thể và đã có văn bản thể hiện ý kiến về việc ly hôn này hoặc không nhận được phản hồi của người chồng từ việc ủy thác tư pháp… Đặc biệt, có nơi nhận đơn nhưng chỉ để “ngâm” hoặc đình chỉ với lý do không mời được bị đơn.

Luật pháp Hàn Quốc, Đài Loan - nơi có nhiều cô dâu Việt sinh sống - đều có chế định về công nhận sự thỏa thuận ly hôn ngoài tòa án. Theo đó, những vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài, cô dâu Việt được yêu cầu ký bản thuận tình ly hôn, người chồng chỉ việc đăng ký tình trạng đã ly hôn với cơ quan quản lý hộ khẩu địa phương là đã có thể cưới vợ khác. Trường hợp cô dâu Việt không ký đơn ly hôn, người chồng có thể kiện ra tòa và không cần ý kiến của vợ, sau một lần gửi thông báo về địa chỉ thường trú của bị đơn tại Việt Nam (chậm nhất là 6 tháng), tòa án địa phương sẽ chấp nhận việc ly hôn.

Tại Việt Nam, nhiều trường hợp cô dâu Việt mang bản án ly hôn, bản thuận tình ly hôn hợp lệ nộp vào sở tư pháp để làm thủ tục ghi chú ly hôn theo quy định nhưng bị từ chối với lý do thiếu bản sao hộ khẩu hoặc ý kiến của người chồng. Trong khi đó, theo quy định, hồ sơ ghi chú không yêu cầu đương sự phải kèm theo bản sao hộ khẩu của người phối ngẫu hay phải kèm theo bất kỳ nội dung nào khác.

Một thẩm phán của Tòa Dân sự TAND TPHCM cho biết bất lợi hiện nay là thời gian ủy thác tư pháp quá lâu. Theo Thông tư liên tịch 15/2011 hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp, trung bình, việc ủy thác là 2 lần, mỗi lần 6 tháng. Nếu hồ sơ ủy thác tư pháp lần đầu không nhận được phản hồi từ phía nước ngoài thì tiếp tục ủy thác lần 2, thông thường mất 1 năm, sau lần 2 tòa án sẽ làm việc với đương sự. “Tiếc là trên thực tế, thời gian này thường kéo dài hơn do chờ đợi Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao gửi hồ sơ” - vị thẩm phán thừa nhận.

Theo luật sư Hà Hải, để giải quyết thực trạng trên, trước hết, tòa án phải thống nhất nhận đơn xin ly hôn có yếu tố nước ngoài cho dù có hay không ý kiến của bị đơn là người nước ngoài. Thời gian thụ lý và giải quyết nên rút ngắn, chậm nhất là 6 tháng theo quy định. “Những trường hợp đã có bản thuận tình ly hôn; bản án, quyết định của cơ quan thẩm quyền nước ngoài thể hiện việc ly hôn, sở tư pháp nên nhận hồ sơ và trình cấp thẩm quyền công nhận việc ly hôn tại Việt Nam” - luật sư Hà Hải kiến nghị.

Quá hạn 7 - 10 năm vẫn chưa được hồi báo

Thống kê tại TAND TPHCM cho thấy từ ngày 1/1/2006 đến 4/9/2012, có 298 hồ sơ ly hôn giữa người Việt và người nước ngoài tồn đọng do chờ hồi báo từ các cơ quan chức năng. Trong đó, 153 hồ sơ quá hạn từ 3 tháng đến 1 năm, đặc biệt có nhiều hồ sơ quá hạn 7 - 10 năm.

Thời gian quá hạn được tính sau 8 tháng kể từ ngày tòa thụ lý đơn, như vậy, nếu một hồ sơ bị báo quá hạn thì đương sự phải chờ thêm 5 - 7 tháng, đó là chưa kể số án đã xét xử xong nhưng chưa có hiệu lực pháp luật vì chờ hồi đáp từ nước ngoài.

Theo Thu Hồng
Người lao động