“Vỡ” bến xe Gia Lâm, Hà Nội
(Dân trí) - Bến xe Gia Lâm, Hà Nội đang trong tình trạng bị "lèn cứng”. Cơ quan chủ quản thì cứ “vô tư” cấp phép cho xe vào bến mà không tính đến khả năng thực tế. Lái xe thì khổ sở vì ách tắc trong bến. Hiện tượng chèo kéo khách cũng tái xuất hiện ngay trước cổng bến.
Tiếp xúc với chúng tôi trong cái nóng ngột ngạt của mùa hè, một lái xe khách tuyến Đông Hưng - Thái Bình than thở, nhiều khi xếp khách lên rồi nhưng phải mất đến cả tiếng đồng hồ xe mới ra được khỏi bến. Với các loại xe to, trên 50 chỗ thì việc đi lại trong bến còn “cơ cực” hơn nhiều.
Theo thống kê, bến xe Gia Lâm phục vụ 42 tuyến với trên 500 lượt xe/ngày, bình quân khoảng 3.000 - 4.500 lượt khách/ngày.
Ông Đỗ Đình Hùng, Giám đốc bến xe Gia Lâm bức xúc: cơ quan quản lý Nhà nước (ở đây là Sở GTCC Hà Nội) phải xuống thực tế, khảo sát xem điều kiện bến bãi, chứ không thể ngồi một chỗ rồi doanh nghiệp nào đến đăng ký bao nhiêu xe là cũng cho tuốt tuột vào bến. Sức của bến chỉ chịu được 1, vậy mà cơ quan quản lý Nhà nước “nhét” xuống đến 10, không “vỡ” bến mới là chuyện lạ. Chính vì tình trạng không hợp lý trên, hiện tượng chèo kéo khách, mất an ninh trật tự mới có điều kiện tái diễn.
Trong khi bến xe Gia Lâm đang rất chật chội thì ngay phía sau bến là khu đất rộng hơn 2.000 m2, trước đây là đất trong khuôn viên bến xe Gia Lâm, nhưng bị cắt ra chia cho Công ty cổ phần xe khách Hà Nội từ năm 1996. Và bây giờ khu đất này chỉ được sử dụng vào mục đích sửa chữa, chứa hàng hoá…
Trước thực tế bến thường xuyên quá tải như vậy, lãnh đạo bến rất muốn cơ quan quản lý Nhà nước điều chỉnh tuyến, nốt cho các doanh nghiệp hợp lý hơn, phù hợp với điều kiện của bến.
Trong tổng số 6 bến xe liên tỉnh của Hà Nội, cùng với Gia Lâm thì bến xe Giáp Bát cũng luôn quá tải. Tại đây mỗi ngày phục vụ 54 tuyến với trên 800 lượt xe, bình quân 6.000 lượt khách/ngày. Xếp sau đó là các bến xe Mỹ Đình, bến xe Lương Yên.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp vận tải, bến xe Lương Yên tuy sinh sau đẻ muộn, lại chưa có kinh nghiệm làm vận tải nhưng do nằm ở vị trí thuận lợi gần đường vành đai 2 nên đã được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Bến xe Mỹ Đình được đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng, có tổng diện tích 30.000m2, khả năng tiếp nhận tới 550 - 600 lượt xe/ngày với khoảng 3000 - 4000 lượt khách. Nhưng đến nay, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, lượng khách đến với bến cũng như doanh nghiệp đưa phương tiện vào hoạt động tại bến hầu như không tăng vẫn chỉ khoảng hơn 200 lượt xe/ngày với khoảng 2000 lượt khách/ngày. |
Lê Quang