1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

VKS lý giải “miễn” tội ma túy cho ông chủ New Century

(Dân trí) - “CQĐT kết luận Nguyễn Đại Dương chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý tại vũ trường nhưng thực tế chứng cứ rất yếu” - Viện trưởng VKSND quận Hoàn Kiếm Vũ Huy Thuận lên tiếng sau khi C17 Bộ Công an đề nghị xét lại việc “miễn tội” cho ông chủ New Century.

Cục trưởng Cục phòng chống ma tuý (C17), đại tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết Bộ Công an vừa có văn bản gửi VKSND tối cao đề nghị xem xét lại quyết định đình chỉ điều tra bị can, miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Đại Dương về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy của VKSND quận Hoàn Kiếm. Là người ký quyết định này, ông có ý kiến gì?

Chúng tôi đến nay vẫn chưa nắm được thông tin này. Báo chí trao đổi tôi mới biết C17 có động thái đó.

Thưa ông, trong trường hợp VKSND tối cao nhận được kiến nghị của C17 đề nghị xem xét lại quyết định miễn tố và yêu cầu Viện cấp quận thay đổi quyết định thì kết quả sẽ thế nào?

Nếu quyết định của chúng tôi không có căn cứ và trái pháp luật thì VKS cấp trên có quyền huỷ để điều tra và quyết định lại.

Nếu cấp trên huỷ quyết định đó và yêu cầu phục hồi thì chúng tôi phải phục hồi điều tra, giải quyết vụ án theo quy định. Nhưng nếu các quyết định của chúng tôi đúng pháp luật thì không thể huỷ được.

Như vậy, với quan điểm mà C17 đưa ra là VKSND quận Hoàn Kiếm do nhận thức và vận dụng pháp luật không chính xác nên quyết định đình chỉ Nguyễn Đại Dương về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý, ông có thể nói gì?

Vì chưa nhận được văn bản nào như vậy nên chúng tôi chưa có ý kiến gì. Thực tế, mỗi cơ quan có quyền phát biểu những quan điểm, nhận xét, đánh giá của mình. Căn cứ vào pháp luật thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm với những việc làm của mình.

Về việc đình chỉ tội danh ma tuý đối với bị can Nguyễn Đại Dương, Phùng Lam Sơn có ý kiến cho rằng, VKSND quận Hoàn Kiếm quyết định miễn tố là chưa phù hợp, đáng ra phải đình chỉ vì không chứng minh được tội phạm. Cũng có ý kiến như C17 cho rằng không được đình chỉ, phải truy tố các bị can. Ông có ý kiến gì bảo vệ quan điểm của mình?

Đấy là ý kiến của các cơ quan, đơn vị phát biểu theo nhận thức, quan điểm của họ. Nói thật, trước khi nhận được quyết định chuyển vụ án, chúng tôi đã tiếp cận hồ sơ.

Quá trình giải quyết, kiểm sát vụ án, vụ 1C VKSND tối cao đã mời chúng tôi tham gia nghiên cứu hồ sơ. Chúng tôi đã nghiên cứu tất cả các chứng lý buộc tội cũng như gỡ tội của từng bị can trong vụ án.

Riêng hành vi chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý của Nguyễn Đại Dương và Phùng Lam Sơn, sau khi nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi thấy chứng cứ buộc tội rất ít. CQĐT kết luận Dương và Sơn chứa chấp sử dụng trái phép ma tuý tại vũ trường New Century nhưng các dấu hiệu của hành vi này không đảm bảo yếu tố cấu thành.

Cụ thể khi CQĐT bắt giữ các đối tượng sử dụng ma tuý tại vũ trường thì chỉ là lời khai của các đối tượng "có mang ma tuý vào sử dụng, không bị phát hiện và cũng không có ai ngăn cấm". Có 30 đối tượng khai là sử dụng từ năm 2006 cho tới ngày vũ trường bị phá.

Kiểm tra lại toàn bộ chứng cứ trong hồ sơ, chúng tôi thấy chủ vũ trường Nguyễn Đại Dương thực tế chỉ quản lý về mặt kinh doanh. Các điều kiện kinh doanh của vũ trường này đều đảm bảo mặc dù đến ngày bị bắt, giấy phép hoạt động của họ vừa hết nhưng họ đang làm thủ tục để xin lại.

Như ông nói, khi đã không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chứng cứ buộc tội yếu thì cơ quan tố tụng phải đình chỉ đối với bị can vì không chứng minh được tội phạm, sao lại áp dụng khoản 1 Điều 25 BLHS để “miễn tố’?

Áp dụng khoản 1 Điều 25 BLHS là do có sự chuyển biến tình hình, nghĩa là theo quy định trước đó, hành vi đã cấu thành tội phạm nhưng khi kết thúc điều tra, VKS thấy rằng có sự thay đổi về pháp luật mà hành vi đó không còn nguy hiểm cho xã hội thì có thể được miễn trách nhiệm.

Chúng tôi thấy rằng hành vi của Dương và Sơn khi CQĐT bắt và khởi tố là có căn cứ. Sau khi có kết luận điều tra và hồ sơ được chuyển sang VKS để làm cáo trạng truy tố thì có thông tư liên tịch số 17 (ngày 24/12/2007) của liên ngành TƯ, chúng tôi đã vận dụng để miễn TNHS cho Dương và Sơn.

Được biết, tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý theo Điều 198 BLHS đến nay không hề có nhận thức khác về hành vi cũng như tính chất nguy hiểm cho xã hội. Không lẽ theo điều luật này thì đủ căn cứ kết tội các bị can mà theo thông tư 17 thì lại không đủ, thưa ông?

Điều 198 không quy định rõ về việc người chủ nơi xảy ra việc sử dụng trái phép chất ma tuý phải có hành vi gì. Thông tư liên tịch số 17 đã hướng dẫn, cụ thể hơn để các cơ quan tư pháp vận dụng thực thi pháp luật.

Dấu hiệu của hành vi là người chủ phải biết có hiện tượng sử dụng trái phép chất ma tuý tại nơi thuộc quyền quản lý của mình mà làm ngơ, bỏ mặc.

Nguyễn Đại Dương tuy làm chủ vũ trường, trong vũ trường có đối tượng sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng không có căn cứ nào để chứng minh việc chủ vũ trường đã làm ngơ, bỏ mặc cho hành vi này. Như vậy, căn cứ theo thông tư 17 thì hành vi này có thể được miễn TNHS. Nếu không có thông tư này thì có thể truy tố Dương.

Vậy với tội kinh doanh trái phép, Nguyễn Đại Dương bị truy tố về hành vi kinh doanh rượu tại vũ trường, thuộc điều cấm theo thông tư số 12, và Nghị định số 11 năm 1999. Nhưng đến năm 2008, đã có 2 văn bản khác thay thế, không cấm hành vi này nữa thì theo ông, đây có phải là sự chuyển biến tình hình?

Nhưng đến khi làm cáo trạng, chúng tôi vẫn chưa nhận được các văn bản hướng dẫn này. Có thể, khi ra toà án xét xử mà HĐXX có được văn bản hướng dẫn đó thì có thể vận dụng để xem xét để làm căn cứ miễn TNHS cho Dương tội này.

Tuy nhiên, quyết định áp dụng hay không còn phải xét tính nguy hiểm của hành vi và mức độ vi phạm.

Xin cám ơn ông!

P.Thảo