1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vĩnh biệt nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh

(Dân trí) - Thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh, nhà xã hội học luôn đau đáu những vấn đề giáo dục nhân cách sống, về giá trị xã hội vừa qua đời ở tuổi 79 vào lúc 12h50 ngày 1/5/2009.

Vĩnh biệt nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh  - 1

Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh trong một cuộc trò chuyện với người khuyết tật năm 2007 (Ảnh: Hiếu Hiền)
 

Bà Nguyễn Thị Oanh là một trong những Thạc sĩ phát triển cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam, người đã góp phần quan trọng xây dựng ngành Công tác Xã hội ở Việt Nam. Bà là một trong 50 người trên thế giới được tổ chức Bánh Mì thế giới trao tặng danh hiệu Anh hùng đời thường năm 2008.

 

Ngay từ những năm 1989, 1990 bà mạnh dạn thành lập nhóm cộng tác xã hội tại TPHCM, dù lúc ấy chưa ai biết xã hội học là như thế nào. Từ năm 1992, bà đã tiên phong thành lập khoa Phụ nữ học (tiền thân khoa Xã hội học) tại trường ĐH Mở. Không dừng lại, bà còn phát triển thêm chương trình lấy kinh tế làm xã hội. Theo đó, đông đảo những trẻ em, phụ nữ nghèo được tập trung lại để dạy họ làm nghề thủ công và nhận những sản phẩm ấy bán ra thị trường.

 

Vĩnh biệt nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh  - 2
Người thân, học trò, đồng nghiệp thương tiếc tiễn biệt gương mặt nổi tiếng của ngành xã hội học đương đại tại Việt Nam
 
Một trong những đóng góp lớn cho cộng đồng chính của bà Oanh là thành lập Trung tâm tư vấn nghiên cứu Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (TPHCM) hơn 20 năm qua. Ngoài ra, những năm gần đây, bà còn thành lập thêm Hội quán Đến với nhau - nơi để những người làm công tác xã hội vì cộng đồng có thể chia sẻ công việc của nhau.

 

Từ sự dẫn dắt, đào tạo của bà đã hình thành nên những thế hệ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Xã hội học. Họ gọi bà là thầy, là “má Oanh”, “cô Oanh” và cùng bà thực hiện công tác xã hội với tâm huyết sống vì cộng đồng, phát triển cộng đồng.

 

Ngoài ra, hàng chục năm qua, bà luôn xuất hiện trên các mặt báo trong vai trò là một nhà tư vấn tâm lý. Những buổi tọa đàm, thảo luận về kỹ năng sống, về hành vi xã hội hầu như không thể thiếu bóng dáng của bà. Với cách trò chuyện vui vẻ, nhẹ nhàng, những lời khuyên của bà luôn truyền được nhiệt huyết sang biết bao lứa thế hệ trẻ.

 

Bà từng nói, “gần cả cuộc đời chọn mục đích sống vì cộng đồng, phần thưởng với tôi là hạnh phúc từ niềm vui của những người được mình giúp đỡ”. Những học trò, những người kế thừa bà cho biết, cho đến tận thời điểm gần giây phút cuối cuộc đời, bà vẫn luôn đáu đáu tìm hướng đi cho những người nghiện ma túy, người nhiễm AIDS và cả những vấn đề giáo dục nhân cách cho giới trẻ...

 

Vĩnh biệt nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh  - 3

Thế hệ trẻ biết ơn sâu sắc những lời chỉ dạy ân tình của bà
 
Trong lễ viếng bà sáng nay (2/5), cô Trần Thị Trinh - thành viên Hội thư quán Đến với nhau - bùi ngùi nhớ lại những kỉ niệm xưa: “Tôi gặp cô Oanh vào năm 1963, lúc ấy cô mới đi học ở Mỹ về, trong một hội đoàn công giáo. Một đứa con gái nghèo, trình độ mới lớp 5 nhưng tôi đã được cô dạy rất nhiều, từ việc nhỏ cho đến việc tổ chức nhóm. Cô vẫn thường rất tự hào về tôi và hay gọi tôi là con đầu lòng”.

 

Anh Đỗ Văn Bình - Trung tâm nghiên cứu tư vấn CTXH-PTCĐ, người học trò gắn bó với bà từ trước giải phóng - chia sẻ: “Điều đáng quý và nể nhất ở cô chính là sự thẳng thắng, tầm nhìn rộng và tinh thần dám đột phá. Cô đã dành trọn cuộc đời cho lý tưởng phấn đấu vì người nghèo, người bị thiệt thòi và làm sao để cái tốt phát triển hơn”…   

 

Phút bà nằm xuống, đông đảo thế hệ những lứa học trò thân yêu đã tề tựu để chia tay người thầy tuyệt vời của mình. Tâm nguyện của bà, những phần việc bà đang làm dang dở sẽ được các học trò, đồng sự đi sau tiếp tục tiếp bước.

 

Bà Nguyễn Thị Oanh sinh ngày 25/12/1931. Quê quán Gò Công, Tiền Giang. Mất lúc 12h50 ngày 1/5/2009 (nhằm ngày 7 tháng 4 Kỷ Sửu). Hưởng thọ 79 tuổi. Bà tốt nghiệp cử nhân xã hội học năm 1955 tại Mỹ. Học thạc sĩ về phát triển cộng đồng tại Philippines.

 

Linh cữu quàn tại nhà riêng (Địa chỉ: 40/10A đường Bùi Công Trừng, Tổ 8 Ấp 3 Xã Nhị Bình, Huyện Hóc Môn, TPHCM).

 

Lễ nhập quan lúc 8h00 ngày 2/5/2009, Lễ viếng bắt đầu từ 9h cùng ngày.

 

Lễ truy điệu lúc 9h00 ngày thứ ba 5/5, sau đó đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh.

 

Bà là nhà giáo mẫu mực và rất tâm huyết, đã góp công đào tạo nhiều thế hệ giảng viên, nhân viên Công tác xã hội, Phát triển cộng đồng cho các trường Đại học. Nhiều học trò của bà đã trở thành những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực công tác xã hội, tâm lý, giáo dục hiện nay.

 

Bà cũng là cây bút có uy tín cộng tác thường xuyên với nhiều tờ báo. Bà là người rất quan tâm đến giới trẻ nhất là học sinh và sinh viên thông qua những bài viết, trang tư vấn của bà trên báo Tuổi Trẻ và Phụ nữ TPHCM. Đồng thời là tác giả của nhiều đầu sách về giáo dục thanh thiếu niên và các vấn đề xã hội.

  

 Lê Phương - Đức Tri