VINASAT-1 bay vào quỹ đạo
(Dân trí) - 5h17 giờ Hà Nội ngày 19/4, tên lửa Ariane 5 mang vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 đã rời bệ phóng bay vào không gian. Với sự kiện này, Việt Nam đã trở thành nước thứ 6 trong khu vực và thứ 93 trên thế giới có vệ tinh riêng.
Sự kiện này được truyền hình trực tiếp từ Kourou tới Hà Nội trên sóng của VTV và trên trang web của Ariane Space.
Tại đầu cầu Hà Nội, sau hơn một tiếng đồng hồ theo dõi diễn biến quá trình phóng vệ tinh VINASAT-1 thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng khẳng định thành công của sự kiện phóng vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam. "Đây là một sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh trong phần mở đầu bài phát biểu.
"Dự án này được Đảng, Chính phủ và nhân dân đặc biệt quan tâm. Nó thể hiện chủ quyền của Việt Nam trên quỹ đạo, góp phần nâng cao chủ quyền Việt Nam trên trường quốc tế. Giúp hoàn thiện hạ tầng viễn thông, CNTT Việt Nam, nâng cao năng lực hạ tầng và là cầu nối quan trọng của Việt Nam với thế giới, đưa viễn thông Việt Nam lên một tầm cao mới. Việt Nam đã là nước thứ 93 trên thế giới và là nước thứ 6 ở Đông Nam Á có vệ tinh riêng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định thành công của sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-1. (Ảnh: VNN) |
Theo Thủ tướng, việc phóng thành công vệ tinh lần này sẽ giúp sớm hoàn thành việc đưa internet, phát thanh, truyền hình tới những vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều hành, ứng cứu khi xảy ra thiên tai.
Ngược dòng thời gian vài tiếng đồng hồ trước bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khoảng 4 giờ 15 phút sáng sớm nay, không khí tại Trung tâm Hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội) trở nên rộn ràng hơn lúc nào hết với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GDĐT, Trưởng Ban phóng vệ tinh VINASAT-1 Nguyễn Thiện Nhân, cùng đại diện các đối tác tham gia xây dựng, bắn vệ tinh VINASAT-1 và đông đảo phóng viên các hãng thông tấn trong và ngoài nước.
Trong khi đó, tại đầu cầu Kourou, Guyana - lãnh thổ thuộc Pháp tại Châu Mỹ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, Quyền Chủ tịch tập đoàn Bưu chính Viễn thông Phạm Long Trận và các đối tác, phóng viên trong và ngoài nước cũng chứng kiến sự kiện VINASAT-1 bay vào vũ trụ.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp theo dõi quá trình phóng vệ tinh tại trung tâm điều khiển chính Jupiter, Kourou, French Guyana. (ảnh chụp màn hình) |
Sau nhiều ngày mưa, thời tiết ngày hôm nay tại Kourou lại rất thuận lợi cho việc phóng vệ tinh. Thời khắc lịch sử của ngành viễn thông Việt Nam sau hơn 12 năm chờ đợi cũng đã tới.
Đúng 5 giờ 15 phút, quá trình đếm ngược 60 giây cuối cùng đã hoàn tất, hai phút sau đó cả khối tên lửa đẩy Arian-5 khai hoả bay vào không gian mang theo hai vệ tinh của Việt Nam và Brazil nặng khoảng 800 tấn. Mọi người đều chăm chú dõi theo chấm đỏ trên màn hình lớn, đây là những đốm lửa được phát ra từ 3 động cơ của các tên lửa đẩy lớp 1.
Ít phút sau khi được phóng đi, những người quan sát không thể nhìn thấy tên lửa bằng mắt thường và camera mà phải chuyển sang theo dõi các thông tin được cung cấp từ trung tâm phóng và mô phỏng quỹ đạo của hành trình tên lửa qua các giai đoạn.
Sau khi rời bệ phóng khoảng 15 phút, vệ tinh đạt đến độ cao 1.270 km, tốc độ 9km/s, ở vị trí gần như vuông góc với trái đất.
Mô phỏng quỹ đạo chuyển động của vệ tinh quanh trái đất. Lúc này trên bảng tín hiệu điều khiển, vệ tinh sẽ ở vị trí gần như song song với trái đất. (ảnh chụp màn hình)
Tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô không dứt tại trung tâm Hội nghị quốc tế khi Trung tâm ở Kourou báo thông tin về việc tách tên lửa đẩy lớp 1 và rồi đến tách tên lửa đẩy lớp 2, 3. Những tiếng vỗ tay và những lời chúc cả ở Kourou và Hà Nội lại rộn lên khi mọi người nghe thông tin về việc tách vệ tinh StarOne khỏi tên lửa đẩy ở phút thứ 31 và kế đến là VINASAT-1.
Lúc này, một đại diện của Ariane Space đứng lên chính thức thông báo, tên lửa đẩy Ariane 5 đã phóng thành công hai vệ tinh VINASAT-1 và StarOne C2. Vị này cũng bày tỏ lòng cảm ơn với VNPT và các đối tác. Vị đại diện của Lockeed Martin cũng bày tỏ sự tự hào khi được chung tay với VNPT đưa vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam lên quỹ đạo.
Các nhà khoa học tại trung tâm điều khiển Jupiter bắt tay nhau chúc mừng việc các vệ tinh tách rời thuận lợi khỏi tên lửa đẩy để nhập vào quỹ đạo. (ảnh chụp màn hình)
Đến đây có thể khẳng định việc phóng vệ tinh VINASAT-1 đã thành công và sẽ đi vào quỹ đạo 132 độ Đông sau hơn 10 ngày. Theo một lãnh đạo của VNPT, những tín hiệu đầu tiên của vệ tinh VINASAT-1 sẽ nhận được trong sáng nay.
Vẫy tay chào các vị quan khách và phóng viên báo chí, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu ngắn gọn nhân sự kiện Việt Nam phóng thành công vệ tinh đầu tiên. Thủ tướng đã gửi lời chúc tới toàn thể đồng bào, nhân dân cả nước, gửi lời cảm ơn tới các đối tác, các đơn vị đã góp phần vào thành công của việc phóng VINASAT-1. Thủ tướng cũng chúc mừng thành công của nước bạn Brazil với sự kiện phóng thành công vệ tinh StarOne C2.
Thay mặt VNPT, ông Vũ Tuân Hùng - TGĐ VNPT đã trao quà lưu niệm cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo ông Hùng, vệ tinh VINASAT-I được sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất, cao 4m, nặng 2.600kg, có độ tuổi từ 15 - 20 năm. Vệ tinh VINASAT-I cũng đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng theo chuẩn quốc tế, không gây can hệ nhiều đến các hệ thống thông tin khác trong quá trình khai thác. Sau một tháng đo và kiểm tra các hệ thống trên quỹ đạo, hãng Lockheed Martin sẽ bàn giao VINASAT-I cho VNPT để khai thác thương mại.
Lịch sử VINASAT-1
Dự án phóng vệ tinh viễn thông VINASAT-I là dự án cấp quốc gia, được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Từ năm 1998. Chính phủ đã thông qua Báo cáo tiền khả thi Dự án phóng vệ tinh Việt Nam - VINASAT của Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông).
Năm 2002, Chính phủ đã thông qua các nội dung cơ bản của báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án VINASAT và đến năm 2005 đã ban hành quyết định về đầu tư dự án, giao VNPT là chủ đầu tư và thực hiện. Sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, VNPT đã lựa chọn nhà sản xuất vệ tinh là Lockheed Martin và ArianeSpace là nhà thầu phụ phóng vệ tinh.
Ý tưởng phóng vệ tinh viễn thông của riêng Việt Nam xuất phát từ việc các doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam đã và đang phải trả một khoản ngoại tệ lớn thuê vệ tinh của nước ngoài. Nếu có vệ tinh riêng, theo tính toán Việt Nam sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, do giá thuê kênh thương mại một kênh vệ tinh thường cao hơn giá thành từ 1,8 đến 3 lần. Ngoài ra, việc sở hữu vệ tinh riêng giúp chúng ta có thêm tự chủ và có điều kiện nâng cao năng lực mạng lưới và chất lượng các dịch vụ viễn thông, CNTT và truyền thông.
Khi đã phóng thành công và đi vào khai thác, sẽ có hai loại dịch vụ cơ bản được VINASAT-1 cung cấp là cho thuê băng tần vệ tinh và các dịch vụ trọn gói như thuê kênh riêng, phát hình lưu động, đào tạo từ xa, truyền hình DTH, truyền hình hội nghị, truyền dữ liệu ngân hàng, đường truyền ISP, kênh thuê riêng cho điện thoại, … Theo ông Bùi Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm thông tin của VNPT, hiện đã có 16 khách hàng đăng ký sử dụng các dịch vụ của VINASAT-1 và Đài Truyền hình Việt Nam sẽ là một trong những khách hàng tiềm năng đầu tiên của VINASAT-1.
Phúc Hưng