1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Trái tim” của Vinasat 1 đã sẵn sàng

(Dân trí) - Chỉ còn ít ngày nữa, vệ tinh độc lập đầu tiên của Việt Nam - Vinasat 1 sẽ chính thức được phóng lên quỹ đạo. Trạm điều khiển vệ tinh này tại Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào sau khi vệ tinh được phóng thành công?

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Phúc Thắng - Phó Đài điều khiển Quế Dương cho biết: Quá trình Việt Nam độc lập điều khiển vệ tinh Vinasat 1 sẽ chính thức bắt đầu khi chúng ta nhận bàn giao từ phía Lockheed Martin. Sau khi vệ tinh phóng lên quỹ đạo thì phía Lockheed Martin sẽ thưc hiện quá trình đo thử, nghiệm thu trên trạm. Quá trình này kéo dài khoảng 1 tháng. Sau đó họ sẽ chính thức chuyển giao cho phía Việt Nam.

 

Đài điều khiển vệ tinh Quế Dương đặt tại thôn Cát Quế, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây có chức năng nhiệm vụ là điều khiển vệ tinh Vinasat 1, thu thập các số liệu từ vệ tinh, đánh giá phân tích và đưa ra những lệnh điều khiển cần thiết để vệ tinh đi đúng quỹ đạo.

 

Việc lắp đặt và chuyển giao công nghệ giữa hai bên được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

Việc chuyển giao công nghệ được bắt đầu từ khi họ tiến hành lắp đặt và trong quá trình lắp đặt thì phía Việt Nam cũng có các chuyên gia, nhân viên kỹ thuật theo sát họ. Sau khi bàn giao thì họ vẫn tiếp tục hỗ trợ chúng ta với các nhân viên kỹ thuật có mặt ngay tại Việt Nam, trong vòng 6 tháng đầu.

 

Hiện tại các chuyên gia nước ngoài đã về nước và sau khi vệ tinh lên quỹ đạo và đến thời điểm bàn giao thì họ sẽ tiếp tục sang Việt Nam. Sau 6 tháng đầu tiên như vừa nói, chúng ta sẽ có đánh giá về phương án tiếp theo. Nếu nhân viên người Việt có thể đảm trách tốt nhiệm vụ thì không cần thuê họ nữa.

 

Vậy đến nay, việc đào tạo đội ngũ kỹ sư phục vụ cho công tác điều khiển độc lập Vinasat được tiến hành như thế nào?

 

Các khoá đào tạo được phân làm 2 khoá. Khoá đào tạo tại nước ngoài ở công ty Lockheed (Mỹ) và đào tạo về thực tế tại Luxembourg. Bước kế tiếp là đào tạo ngay tại trạm điều khiển Quế Dương (Hoài Đức, Hà Tây).

 

Khoá đào tạo tại Luxembourg là khoá đào tạo xem thực tế họ điều khiển như thế nào. Tuy nhiên, thực tế họ không bao giờ cho mình vào tận phòng điều khiển vệ tinh của họ, mình chỉ học hỏi kinh nghiệm, thăm qua, học hỏi các kiến thức cơ bản.

 

Còn thực hành tại trung tâm trong nước, chúng ta có các thiết bị giả lập, điều khiển vệ tinh giả lập, theo những hệ thống đào tạo mà phía đối tác trang bị cho Việt Nam tại đây. Tuy nhiên, hệ thống giả lập chỉ mang tính thực hành trên máy, cũng như tập lái nguội khi đi học lái xe chứ chưa được ra đường. Do vậy vẫn phải có thời gian học hỏi, tích luỹ thêm từ thực tế.

 

Hiện tại chúng tôi có 21 kỹ sư, 8 nữ, 13 nam, chủ yếu đã tốt nghiệp ĐH Bách Khoa và Học viện kỹ thuật quân sự. Trong số đó, có 8 nhân viên chuyển từ trạm khai thác vệ tinh Intersat đã có kinh nghiệm, người nhiều nhất từ 9 -10 năm, người ít hơn là 1-2 năm trong lĩnh vực vệ tinh.

 

“Trái tim” của Vinasat 1 đã sẵn sàng - 1

 "Trái tim" của Vinasat 1 đã sẵn sàng. (Ảnh: Phúc Hưng)

 

Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, tất cả các nhân viên đều sẽ phải trải qua các khoá đào tạo tại nước ngoài và tại trạm. Mỗi khoá đào tạo diễn ra trong vòng 1-2 tháng.

 

Đặt giả thiết trong điều kiện gặp vấn đề phức tạp thời tiết, gây ảnh hưởng tới trạm điều khiển vệ tinh tại Hà Tây?

 

Phải nói thế này, trước khi quyết định lắp đặt trạm vệ tinh Quế Dương tại Cát Quế, các chuyên gia Việt Nam đã có sự nghiên cứu, kiểm tra rất kỹ càng để tránh các yếu tố ảnh hưởng nhiễu về tần số. Trên thực tế, đây là địa điểm chúng ta đặt trạm vệ tinh mặt đất Intersat từ năm 2002. Trước đó, tất cả yếu tố về nhiễu đã được đo đạc rồi, việc tiến hành khảo sát được xác định dùng làm trạm thông tin mặt đất và xa hơn nữa là trung tâm điều khiển vệ tinh.

 

Để dự phòng về thiên tai, bão lụt, thời tiết thì Việt Nam có một trạm điều khiển khác đặt tại tỉnh Bình Dương. Đây sẽ là trạm dự phòng khi trạm chính tại đây gặp trục trặc. Trong điều khiển hoạt động bình thường, việc vận hành trạm điều khiển Bình Dương sẽ không khác gì tại đây, trừ việc không thể gửi lệnh điều khiển lên vệ tinh.

 

Ông xác định khó khăn lớn nhất lúc này của trạm điều khiển Vinasat 1 là gì?

 

Như tất cả mọi người đều biết, đây là vệ tinh độc lập đầu tiên của VN và chúng tôi phải làm chủ mọi kỹ thuật. Khó khăn lớn nhất lúc này là kinh nghiệm. Từ trước tới nay chúng ta chưa từng điều khiển vệ tinh nào cả. Phải cần nhiều thời gian học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài để tiến tới việc làm chủ hoàn toàn vệ tinh Vinasat 1.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm