Việt Nam xác lập chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa từ thế kỉ 17
(Dân trí) - Trong cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông tại Bộ Ngoại giao chiều 23/5, một video clip được trình chiếu đã thể hiện đầy đủ, thuyết phục những căn cứ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước.
Các văn bản chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam như chỉ dụ, sắc phong, sắc chỉ và các tấu sớ hiện đang lưu giữ tại nhiều nơi trong cả nước là bằng chứng xác thực khẳng định Việt Nam làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa, khi đó còn là vùng đất vô chủ.
Nguồn tư liệu từ nước ngoài như An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd xuất bản năm 1838; hàng chục bản đồ của Công ty Đông ấn Hà Lan cũng thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử, ít nhất là từ thời kỳ phong kiến thế kỷ 17-18, Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đến thời kỳ Pháp thuộc, chính quyền bảo hộ Pháp cũng đã thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này. Sau năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lê Hải Bình khái quát, Việt Nam đã có lịch sử khai phá, hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 17, có dân sinh sống ổn định, không bị tranh chấp bởi bất cứ quốc gia nào. Cựu Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Liễu cũng đã xác định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo sau đó, không vấp một sự phản đối nào của các nước.
Sau kháng chiến chống Pháp, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiếp nhận việc đảm bảo thực thi chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo nào. Tại hội nghị Giơnevơ năm 1954, Trung Quốc đã biết về những thỏa thuận bàn giao quyền quản lý của người Pháp với chính quyền Việt Nam Cộng hòa này và đã chấp hành.
“Thực tế, việc dùng vũ lực của Trung Quốc để chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa là vi phạm luật pháp quốc tế. Vũ lực không làm phát sinh chủ quyền. Đây là nguyên tắc thể hiện trong Công ước Quốc tế về luật Biển năm 1982” – ông Lê Hải Binh nói.