1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Việt Nam - Trung Quốc: Kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển

(Dân trí) - Hôm nay (13/11), tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhất trí kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Trung Quốc thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam; chúc mừng Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIX, đã xác định các quan điểm, tư tưởng, chiến lược mới về quản lý, điều hành đất nước; chúc mừng đồng chí Tập Cận Bình được tín nhiệm bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân, nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy bố cục tổng thể “năm trong một”, bố cục chiến lược “bốn toàn diện”, xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp, phát huy vai trò tích cực và đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Thành tựu của mỗi nước có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước

Nhà lãnh đạo Việt Nam đánh giá cao việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đi thăm ngay sau Đại hội XIX, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân đồng chí Tập Cận Bình đối với quan hệ Việt – Trung, thể hiện sự ủng hộ và đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị cấp cao APEC 2017 do Việt Nam tổ chức;

Chủ tịch nước cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, thân tình mà Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã dành cho Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” tháng 5/2017; cảm ơn Trung Quốc đã cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại và viện trợ khẩn cấp cho nhân dân một số địa phương Việt Nam bị thiệt hại do thiên tai vừa qua.

Thông báo một số trọng tâm công tác triển khai đường lối Đại hội Đảng lần thứ XII, Chủ tịch nước khẳng định quyết tâm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nỗ lực cải cách tư pháp, hành chính, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, có nhiều điểm tương đồng về con đường phát triển, chế độ chính trị, đặc điểm văn hóa, xã hội;

Sự phát triển, ổn định và thành tựu của mỗi nước có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước; việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định, ngày càng tốt đẹp là phù hợp với lợi ích cơ bản, lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình hội đàm sáng 13/11 (ảnh minh họa: TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình hội đàm sáng 13/11 (ảnh minh họa: TTXVN)

Việt Nam coi trọng việc kế thừa và phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các bậc lãnh đạo tiền bối hai nước đích thân xây dựng và dày công vun đắp; việc phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài và là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Chủ tịch nước đề nghị không ngừng củng cố, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thống nhất nhận thức, thực hiện hiệu quả các thỏa thuận. Chủ tịch nước nhấn mạnh quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước là nguồn sức mạnh và nền tảng xã hội cho quan hệ Việt – Trung phát triển tốt đẹp, bền vững, lâu dài.

Hai bên cùng nỗ lực triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực để tăng cường hơn nữa sự tin cậy, hiểu biết và gắn kết giữa nhân dân hai nước, như Diễn đàn nhân dân, Liên hoan thanh niên, sử dụng và phát huy hiệu quả Cung Hữu nghị Việt - Trung, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Về các lĩnh vực hợp tác, Chủ tịch nước đề nghị hai bên mở rộng, nâng cao hiệu quả và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng như ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật; phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương trong việc điều phối thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quan hệ hai nước;

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, thúc đẩy thực hiện các dự án lớn với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đại diện tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc tại Việt Nam, giải quyết một số bất cập trong hợp tác, góp phần chia sẻ, gắn bó lợi ích, tạo sự tin cậy về kinh tế, củng cố nền tảng vật chất cho phát triển quan hệ song phương.

Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai bên tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” và lộ trình mà hai bên đã thỏa thuận, tích cực thúc đẩy đàm phán trên biển có tiến triển thực chất.

Trong khi chưa giải quyết được bất đồng, hai bên cần kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, gìn giữ hòa bình, ổn định trên biển. Chủ tịch nước nhấn mạnh, là thành viên ASEAN và có lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông, Việt Nam hoan nghênh những phát triển tích cực giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc đàm phán và thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Thời gian tới, đề nghị Trung Quốc cùng ASEAN tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC); tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực và hiệu quả.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, thân tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được kể từ sau Đại hội XII đến nay; đánh giá cao công tác tổ chức của Việt Nam và nhiệt liệt chúc mừng thành công của Hội nghị cấp cao APEC 2017, đã nâng cao vai trò, ảnh hưởng và vị thế quốc tế của Việt Nam, củng cố quan điểm phát triển của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, góp phần cùng vun đắp tương lai chung hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực.

Vì sao chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm sau Đại hội XIX?

Ông Tập Cận Bình chia sẻ những ấn tượng và tình cảm sâu sắc khi thăm lại khu di tích Nhà sàn Bác Hồ; nhấn mạnh quan hệ hữu nghị, đoàn kết gắn bó do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Mao Trạch Đông và nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối của hai Đảng, hai nước dày công vun đắp là tấm gương quý báu cần gìn giữ, học tập và phát huy, cố gắng làm nhiều việc có lợi cho phát triển quan hệ hai nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân hai nước.

Việc chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm sau Đại hội XIX đã thể hiện tầm quan trọng không thể thay thế của quan hệ Trung -Việt; thể hiện tình cảm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; thể hiện sự kiên định phương châm láng giềng hữu nghị với Việt Nam, mong muốn tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển lên tầm cao mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá tích cực xu thế phát triển của quan hệ hai nước thời gian qua; mong muốn trên cơ sở những nhận thức chung đạt được trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thời gian qua, trong đó có chuyến thăm cấp Nhà nước và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai con đường” của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tháng 5/2017.

Lãnh đạo Trung Quốc đề nghị tiếp tục cùng Việt Nam thực hiện một số trọng tâm công tác sau: Tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao với các hình thức linh hoạt để trao đổi chiến lược, định hướng phát triển quan hệ hai nước. Trân trọng mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao Việt Nam sớm thăm lại Trung Quốc cùng trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước; giao lưu kinh nghiệm về xây dựng Đảng, quản lý đất nước.

Duy trì xu thế hợp tác tích cực giữa hai nước hiện nay; tiếp tục phát huy vai trò điều phối tổng thể của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung - Việt trong thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác; tích cực thúc đẩy triển khai kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, hợp tác năng lực sản xuất, xây dựng khu kinh tế qua biên giới và các dự án trọng điểm. Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp tăng cường đầu tư, tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, thúc đẩy thương mại phát triển cân bằng, bền vững.

Củng cố vững chắc cơ sở xã hội thông qua tăng cường các hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân, thanh niên hai nước, tăng cường hợp tác báo chí, tuyên truyền, thực hiện tốt các dự án viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam. Kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển. Tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về ứng phó thách thức, xây dựng đất nước phù hợp tình hình của mỗi nước; tăng cường hợp tác tư pháp, phòng chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh, xã hội của mỗi nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này đã thành công tốt đẹp; sẽ phổ biến, quán triệt về kết quả chuyến thăm trong toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm sâu sắc hơn nữa nhận thức trong Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc về quan hệ Trung - Việt.

C.N.Q