Việt Nam tích cực chống nạn buôn lậu chó xuyên quốc gia
(Dân trí) - Việt Nam là một trong các thành viên chính tham gia cam kết tạm dừng 5 năm các hoạt động thương mại liên quan đến chó giữa các quốc gia có chung biên giới, nhằm chấm dứt việc buôn bán vận chuyển và kiểm soát bệnh dại.
Liên minh ACPA bao gồm bốn thành viên: Tổ chức Thay đổi vì Động vật (Change for Animals Foundation), Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (Humane Society International), Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia), và Tổ chức Soi Dog -Thái Lan (Soi Dog Foundation), phối hợp với cơ quan chức năng tại bốn quốc gia Đông Nam Á nhằm cải thiện việc thực thi pháp luật phòng chống bệnh dại và kiểm soát nạn buôn bán chó trái phép không được kiểm dịch qua các biên giới.
Buôn bán chó xuyên quốc gia góp phần bùng phát bệnh dại
Theo báo cáo, chỉ riêng tại Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 5 triệu cá thể chó bị giết phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt của con người. Ngành kinh doanh này chủ yếu dựa vào việc buôn lậu chó bất hợp pháp trong khi tất cả các nước trong vùng đã ra lệnh cấm vận chuyển chó chưa được tiêm chủng dại, chó không có chứng nhận sức khỏe, giấy phép nhập khẩu, và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.
Vấn nạn vận chuyển, buôn bán chó lậu tại Việt Nam đã được quy định là bất hợp pháp từ năm 2009, tuy nhiên nguồn lực dành cho việc giải quyết vấn đề này chưa dồi dào, việc thực thi pháp luật nhiều khi không khả thi, chưa được áp dụng một cách đầy đủ, và cho tới nay vẫn nhận được quá ít sự quan tâm. Mới đây, ngày 23/1/2014, Cục Thú y Việt Nam đã ban hành công văn chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch, ngăn chặn buôn lậu chó tại các cửa khẩu khi quan ngại về nguy cơ gia tăng và bùng phát bệnh dại.
Bà Lola Webber, Giám đốc Chương trình của Tổ chức Thay đổi vì Động vật (Change for Animals Foundation) cho rằng: "Nghiêm cấm việc buôn bán chó là phương cách hữu hiệu không chỉ để ngăn chặn những vụ vận chuyển chó số lượng lớn có nguy cơ (hoặc đã) lây nhiễm bệnh, mà còn là giải pháp hiệu quả chấm dứt nguy cơ chính dẫn đến lây nhiễm bệnh dại".
Phạm Thanh