1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng nổ dân số

(Dân trí) - Năm 2007, dân số Việt Nam “vỡ kế hoạch”, tỉ lệ sinh có thể cao hơn nữa vào năm 2008. Ngoài ra, sự mất cân bằng giới tính đáng báo động theo hướng thừa nam, thiếu nữ cũng khiến nhiều đàn ông Việt Nam tương lai khó lấy vợ.

“Vỡ kế hoạch” do “lợn vàng”

 

Theo báo cáo từ Vụ Dân số - Bộ Y tế: Tính từ đầu năm đến tháng 10/2007, có hơn 945.000 trẻ em được sinh ra, tăng gần 27.000 trẻ so với năm ngoái. Trong đó 30/64 tỉnh, thành có có tỷ lệ tăng cao như: Hà Nội, Cao Bằng, Bạc Liêu, Phú Thọ...

 

Giải thích về vấn đề “vỡ kế hoạch” năm nay, Vụ trưởng Vụ Dân số, ông Phạm Bá Nhất, cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh năm nay tăng cao hơn năm trước là vì quan niệm trẻ sinh năm Đinh Hợi sẽ gặp nhiều may mắn. Suốt cả năm “lợn vàng”, các bệnh viện phụ sản từ tuyến trung ương đến địa phương đều quá tải.

 

Theo số liệu tổng kết chung của hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành: Toàn quốc có 18 tỉnh/thành có số người sinh con thứ 3. Số người mới đặt vòng tránh thai giảm 2,9%; số người mới triệt sản giảm 12%. Trong khi đó, chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động, lồng gép chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các vùng nông thôn có mức sinh cao lại triển khai chậm hơn so với năm trước, không hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

 

“Không đạt mức giảm sinh như mong muốn còn do một một số lỗ hổng trong công tác quản lý và thực hiện. Một số địa phương vẫn chưa “mặn mà” với công tác dân số; công tác tư vấn tại nhiều địa bàn lại quá yếu và thiếu” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thuỷ nhận định.

 

Việc thiếu chế tài xử lý những người vi phạm chính sách dân số (sinh con thứ ba) cũng khiến số trẻ sinh ra tăng mạnh. Năm 2007, Hà Nội có gần 11 nghìn trường hợp sinh con thứ ba, trong đó có gần 170 đảng viên, hơn 270 cán bộ công chức, nhưng hầu hết đều không bị xử lý.

 

Mối đe dọa bùng nổ dân số

 

Công tác vận động tuyên truyền về KHHGĐ đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Hết năm 2008, Việt Nam sẽ hết thời hạn nhận tài trợ các phương tiện tránh thai (PTTT) hiện đại như bao cao su, thuốc ngừa thai. Theo đó, đến năm 2009, Việt Nam sẽ thiếu 80% số lượng PTTT hiện đại bởi chưa có cam kết cung cấp nào từ phía các nhà tài trợ.

 

Theo tính toán của các chuyên gia dân số, mỗi năm nhu cầu cần 100-150 tỉ đồng mua PTTT nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 10%. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đồng ý chi thêm cho ngân sách này 30 tỉ đồng/năm. Dù vậy, vẫn thiếu từ 70-120 tỉ đồng/năm.

 

TS Nguyễn Thiện Trưởng - Chủ tịch Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam - cảnh báo: Việc xã hội hoá cung cấp PTTT không thu được nhiều kết quả như mong đợi bởi từ nhiều năm nay, nhiều người dân vẫn được cung cấp miễn phí thuốc tránh thai, bao cao su. Sự khủng hoảng này là mối đe doạ cực kỳ nguy hiểm, rất dễ dẫn đến bùng nổ dân số.

 

Tương lai, đàn ông Việt sẽ khó lấy vợ

 

Viện Nghiên cứu phát triển xã hội vừa cảnh báo, tại một số tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và Duyên hải, tỉ số giới tính khi sinh đã có sự chênh lệch cao và rất cao so với mức bình thường. Có tới 16 tỉnh có tỉ số giới tính khi sinh từ 115-128 nam/100 nữ.

 

Theo một nghiên cứu được TS Khuất Thu Hồng thuộc Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện thì tại Bắc Ninh, tỉ số giới tính khi sinh đã ở mức báo động với 123 nam/100 nữ. Nguyên nhân vẫn bắt nguồn từ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Trong khi đó, các điều kiện để lựa chọn giới tính thai nhi lại ngày càng phát triển, dẫn đến nhiều ca nạo phá thai khi giới tính thai nhi không như mong muốn.

 

“Tỉ lệ bé trai bé gái mới sinh vài năm gần đây đã chênh lệch đến mức đáng báo động. Sẽ có nhiều bé trai thế hệ này khi trưởng thành sẽ không lấy được vợ, giống tình trạng của Trung Quốc. Nguy cơ này có thể dẫn đến sự bất ổn xã hội như: ẩu đả, cưỡng hiếp, mại dâm, buôn bán phụ nữ qua biên giới... tăng lên” - Ông Phạm Bá Nhất cảnh báo

 

Thứ trưởng Nguyễn Bá Thuỷ cũng trăn trở: “Tình trạng phụ nữ di cư lấy chồng nước ngoài có xu hướng tăng ở một số địa phương sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề mất cân bằng giới tính theo hướng thừa nam, thiếu nữ ở nước ta”.

 

P. Thanh