Việt Nam đề nghị World Bank ưu tiên vốn làm đường sắt cao tốc
(Dân trí) - Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Thế giới có nhiều phương thức cung cấp vốn tài trợ linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu sử dụng vốn đa dạng của Việt Nam trong ưu tiên thực hiện những dự án giao thông lớn.
Chiều 27/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
Bàn về định hướng hợp tác giai đoạn tới, Thủ tướng đề nghị WB có nhiều phương thức, mô hình cung cấp và quản lý vốn tài trợ linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu sử dụng vốn đa dạng của Việt Nam; ưu tiên thực hiện những dự án lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt TPHCM - Cần Thơ, đường sắt kết nối Hà Nội - Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề cập tới những ưu tiên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; nông nghiệp thông minh, phát thải carbon thấp; chuyển đổi số; ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long.
Theo người đứng đầu Chính phủ, hiện Việt Nam còn nhiều dư địa cho các khoản vay ODA mới do nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách Nhà nước đang được Chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt, nằm trong ngưỡng cho phép.
Đồng tình với Thủ tướng Phạm Minh Chính về định hướng triển khai các dự án có trọng tâm, trọng điểm, bà Carolyn Turk đánh giá cao các cam kết của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải.
Bà cũng chia sẻ với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam về những vấn đề cần quan tâm thời gian tới như yêu cầu bảo đảm năng lượng trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng rất nhanh; khai thác tiềm năng bán tín chỉ carbon; yêu cầu chuyển đổi số; ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long; triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
"Nếu chương trình 1 triệu ha lúa được triển khai thành công, Việt Nam sẽ là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này", theo bà Carolyn Turk.
Giám đốc WB tại Việt Nam cũng nêu các đề xuất cụ thể, trong đó có các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi triển khai các dự án, nhất là dự án quy mô lớn.
Bà khẳng định sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan phía Việt Nam, đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mà Thủ tướng đã có ý kiến trao đổi.
Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành phản hồi về từng vấn đề WB nêu, Thủ tướng nhất trí hai bên sẽ thành lập tổ công tác để phối hợp, rà soát về quy định, sửa đổi theo hướng tinh giản và hài hòa thủ tục giữa hai bên, tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian triển khai các dự án.
Thủ tướng cho biết đã giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo trong việc tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án và giải ngân nguồn vốn WB.
Tiếp ông Yamamoto Ichita, Thống đốc tỉnh Gunma (Nhật Bản) chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam trong lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ…
Ông cũng đề nghị địa phương của Nhật Bản mở rộng thị trường với các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, nhất là nông sản, trái cây mùa vụ.
Thống đốc tỉnh Gunma cho biết ông và đoàn 29 doanh nghiệp sang thăm Việt Nam lần này đều đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, một thị trường rất tiềm năng. Các doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến đầu tư 7,7 tỷ yên vào Việt Nam thời gian tới, theo ông Yamamoto Ichita.
Thống đốc khẳng định những năm tới sẽ tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp của tỉnh sang Việt Nam đầu tư, cũng như mong muốn đón các doanh nghiệp Việt Nam sang hợp tác tại Gunma, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số.