Việt Nam đặt mục tiêu hình thành 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn
(Dân trí) - Với định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực để hình thành 50.000 kỹ sư cho ngành này vào năm 2030.
Điều này được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính ăn trưa, làm việc với CEO các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn, ngày 19/9 theo giờ địa phương.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao nhiều biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam với các tổ chức của Mỹ về thúc đẩy sản phẩm chip bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực cho ngành này.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là một bước tiến để triển khai hoạt động hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ với đối tác Việt Nam, nhằm mang đến những cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao năng lực của Việt Nam trong ngành công nghiệp này.
"Nếu Mỹ là quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn với nhiều thành tựu công nghệ nổi bật, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn", theo lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư.
Ông khẳng định Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn và có một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi.
Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.
Với định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.
Cùng với đó, Việt Nam đã và đang xây dựng được ngành công nghiệp điện tử đủ lớn ở trong nước, thu hút ngày càng nhiều đơn vị sản xuất điện tử lớn. Đây là thị trường trực tiếp của công nghiệp bán dẫn.
Các doanh nghiệp đánh giá rất cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt là với nguồn nhân lực chất lượng cao và năng lực ngày càng cải thiện của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tại Việt Nam.
Theo đề xuất của doanh nghiệp, các tập đoàn của Mỹ có thể nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại Việt Nam và Mỹ đã thống nhất đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột mới quan trọng trong quan hệ hai nước
Ông đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực phối hợp, tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, trong đó có công nghiệp bán dẫn.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị doanh nghiệp bán dẫn Mỹ tiếp tục hợp tác, đầu tư sâu hơn, rộng hơn, nhiều hơn tại Việt Nam trong tất cả khâu như đầu tư hạ tầng; chuyển giao công nghệ, thiết kế, tổ chức sản xuất và phân phối; đào tạo nhân lực…
Về những ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp liên quan tới thuế, thủ tục hành chính, đất đai, đào tạo nhân lực…, Thủ tướng cho biết Chính phủ và các bộ ngành sẽ tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, tạo điều kiện tốt nhất là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, hoạt động, ngày càng thuận lợi, ổn định, hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.
Hoài Thu (Từ Washington D.C, Mỹ)