"Việt Nam đang chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao"

Hoài Thu
Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc

(Dân trí) - Làm việc với các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam đang chuyển hướng sang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn.

Ngày 1/7, nhân dịp tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung dành thời gian gặp lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc để trao đổi về các nội dung hợp tác giữa hai bên.

Tiếp ông Kim Chang Hwan, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Hyundai Mipo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác lao động vì lợi ích của hai bên.

Việt Nam đang chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Hyundai Mipo (Ảnh: Lê Bình).

Hyundai Mipo là một trong 7 tập đoàn đóng tàu lớn của Hàn Quốc đang tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài làm việc và là doanh nghiệp đóng tàu tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất hiện nay.

Lãnh đạo Hyundai Mipo cho biết tập đoàn có hơn 1.000 lao động Việt Nam đang làm việc, trong đó có 482 lao động do 11 doanh nghiệp phái cử theo diện có trình độ chuyên môn kỹ thuật (visa E7). Theo báo cáo, lao động làm việc tại Hyundai Mipo được hưởng mức lương hơn 2,8 triệu won/tháng (gần 60 triệu đồng/tháng).

Cho biết Bộ LĐ-TB&XH đã ký thỏa thuận hợp tác với Hyundai Mipo về lao động thuộc diện visa E7, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục phối hợp với tập đoàn để đào tạo và đưa lao động đi Hàn Quốc làm việc.

Bộ trưởng lưu ý các công ty của Việt Nam phải chú trọng đào tạo kỹ năng cho lao động khi phái cử họ sang Hàn Quốc làm việc.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, Hyundai Mipo cũng cần tạo điều kiện cho các công ty phái cử Việt Nam hợp tác trong đưa lao động sang Hàn Quốc. Bộ trưởng đề nghị tập đoàn chú ý hơn đến điều kiện và chế độ làm việc cho lao động Việt Nam, do đây là đội ngũ có nhiều lợi thế trong ngành đóng tàu.

Việt Nam đang chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc Kim Min Seok (Ảnh: Lê Bình).

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc Kim Min Seok cho biết hiệp hội đang hợp tác với nhiều cơ quan Chính phủ Hàn Quốc để phát triển ngành hàng không.

Hàn Quốc sẽ trở thành một trong năm cường quốc toàn cầu về hàng không vũ trụ với doanh thu 7.000 tỷ won và dự kiến đến năm 2035 là 26.300 tỷ won.

Với tính toán đến năm 2023 có khoảng 20.000 lao động nhưng nguồn nhân lực đang thiếu, đơn vị này muốn thảo luận với các cơ quan liên quan để mở visa cho lao động nước ngoài đến làm việc tại Hàn Quốc.

Tương lai ngành hàng không vũ trụ hàn Quốc cần tới 59.000 người lao động với khoảng 40.000 lao động nước ngoài ưu tú, theo ông Kim Min Seok.

Ông cho biết hiện nay, hiệp hội đã mở một trung tâm đào tạo ở Việt Nam và mỗi năm đào tạo được 100 người. Nhận định người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc sẽ góp phần đóng góp cho tương lai phát triển của ngành hàng không vũ trụ, ông Kim Min Seok đề nghị xem xét việc đào tạo ngành này ở Việt Nam.

Nhất trí với quan điểm phát triển ngành hàng không vũ trụ là tất yếu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đây cũng là nội dung được Tổng thống Hàn Quốc đề cập trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang chuyển hướng sang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu đào tạo 50.000 lao động trong lĩnh vực chíp bán dẫn. Ngoài ra, các trường ở Việt Nam cũng đang tập trung vào đào tạo những ngành nghề mới nổi.

Việt Nam đang chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - 3

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ chụp ảnh kỷ niệm cùng lãnh đạo Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (Ảnh: Lê Bình).

Với định hướng tuyển dụng lao động kỹ thuật cao mà lãnh đạo Hiệp hội Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc đề cập, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh mở loại hình visa mới là cần thiết, nên hiệp hội cần liên kết đào tạo với các trường của Việt Nam.

"Đây là ngành có ý nghĩa chiến lược nên cần có bước đi chiến lược. Phía Hàn Quốc có thể mời Viettel tham gia", Bộ trưởng gợi ý.

Tiếp ông IM Seung-Muk, Phó Chủ tịch cơ quan nhân lực (HRD) Hàn Quốc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh HRD là cơ quan mà Việt Nam rất tín nhiệm.

Cho biết nhu cầu người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc rất cao, Bộ trưởng hoan nghênh việc nước này tăng lượng quota cấp cho Việt Nam, đồng thời đề nghị hai bên đẩy nhanh quy trình tuyển chọn, cắt bỏ những khâu không cần thiết.

Làm việc với đại diện tổ chức Phát triển quan hệ lao động (KLES), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và lao động rất quan trọng.

Khẳng định Việt Nam luôn quan tâm đào tạo ngoại ngữ chuyên môn và tác phong cho người lao động, Bộ trưởng đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam tốt hơn, qua đó hỗ trợ quan hệ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.

Trong khi đó, đại diện KLES đề nghị cần có các chương trình đào tạo để người lao động có thể thích nghi khi đi làm tại Hàn Quốc. Theo đại diện tổ chức này, hiện nay có khoảng 150.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Cùng ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng dành thời gian làm việc với lãnh đạo thành phố Mokpo - nơi có khoảng 2.000 người Việt Nam đang cư trú và có nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động Việt Nam.

Bộ trưởng đánh giá Mokpo là địa phương có cơ cấu kinh tế đa dạng và có thế mạnh về nhiều lĩnh vực, tiếp nhận lao động từ nhiều quốc gia, trong đó có nhiều người Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên và đẩy mạnh việc cung cấp nguồn nhân lực cho Hàn Quốc, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của những địa phương có nhiều tiềm năng như Mokpo.

Hoài Thu (Từ Seoul, Hàn Quốc)