1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Việt Nam có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài

(Dân trí) - Tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ. Số đối tượng có lệnh truy nã đỏ của Interpol có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam là 317 đối tượng. Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ.

Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ vừa được Bộ Công an công bố cho thấy, đến hết tháng 5/2019, số đối tượng có lệnh truy nã đỏ của Interpol có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam là 317 đối tượng. Căn cứ quy định của Luật Tương trợ tự pháp năm 2007, áp dụng điều ước quốc tế và áp dụng pháp luật có liên quan, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 23 yêu cầu dẫn độ của nước ngoài.

Tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Việt Nam có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài - 1

Trịnh Xuân Thanh từng bị truy nã quốc tế (Ảnh minh hoạ).

Bộ Công an đã lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (gồm 21 yêu cầu dẫn độ theo các hiệp định song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Australia, Cộng hòa Belarus, Campuchia, Ukraine, Cộng hòa Séc, Bulgaria và 14 yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại với Vương quốc Anh, Hồng Kông - Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Peru, Malaysia...).

Trong đó đã dẫn độ được 7 đối tượng về Việt Nam gồm: Phạm Thế Vinh, Nguyễn Hà Lan, Phạm Thúy Ngân và Nguyễn Xuân Đại từ Liên bang Nga, Lê Quang Nhật từ Ukraine, Phùng Hữu Sơn từ Cộng hòa Séc và Phạm Minh Đại từ Beralus. 1 đối tượng bị bắt giữ khi bỏ trốn về Việt Nam là Nguyễn Tất Kiên từ Australia.

4 yêu cầu dẫn độ bị phía nước ngoài từ chối; 1 đối tượng trở về Việt Nam và ra trình báo với cơ quan chức năng về việc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chấp hành hình phạt về tội phạm bị yêu cầu dẫn độ tại nước ngoài.

Bộ Công an đang tiếp tục tích cực đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài khẩn trương giải quyết các yêu cầu dẫn độ còn lại.

Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 7/2019, Việt Nam là thành viên của 22 điều ước quốc tế đa phương, 11 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ và 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ.

Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên, minh chứng bằng số lượng các yêu cầu dẫn độ trên cơ sở điều ước quốc tế đã giải quyết thành công chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các yêu cầu dẫn độ.

“Các điều ước quốc tế nói chung và các hiệp định về dẫn độ nói riêng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xung đột pháp luật giữa các quốc gia, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia có thể căn cứ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ hợp tác trong hoạt động dẫn độ. Vì vậy, cần tăng cường ký kết và áp dụng các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ đã, đang và sẽ là yêu cầu tất yếu nhằm củng cố cơ sở pháp lý hợp tác cho hoạt động này”- Bộ Công an nhận định.

Việt Nam có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài - 2

Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) từng bỏ trốn sang Singapore, sau đó bị trục xuất. Ngày 4/1/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ.

Đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ

Bộ Công an dự báo số lượng tội phạm từ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài, tội phạm từ nước ngoài lẩn trốn vào Việt Nam, người nước ngoài bị kết án tại Việt Nam và người Việt Nam bị kết án phạt tù ở nước ngoài có xu hướng gia tăng.

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dẫn độ trong thời gian tới, Bộ Công an xin đề xuất Quốc hội sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ trên cơ sở tách quy định về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

Đạo luật về dẫn độ cần bảo đảm các yêu cầu về chính trị, ngoại giao, pháp luật; nội luật hoá các quy định của điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; đồng bộ hoá các quy định về dẫn độ giữa đạo luật về dẫn độ với các quy định của pháp luật liên quan, nhất là trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả trong hoạt động dẫn độ và xác định, phân định lại cơ quan quản lý nhà nước về dẫn độ.

Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương về dẫn độ; trong đó, ưu tiên đàm phán, ký kết với các quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước có truyền thống quan hệ lịch sử và thiện chí với Việt Nam và các nước có yêu cầu hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với Việt Nam.

“Cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong giải quyết vụ việc dẫn độ khi Việt Nam chưa ký kết hiệp định hợp tác song phương về dẫn độ với nước ngoài, tránh việc người phạm tội lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật và trong hợp tác quốc tế để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật dẫn đến bỏ lọt tội phạm”- Bộ Công an đề xuất.

Thế Kha