1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

“Việt Nam có nguy cơ phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa”

(Dân trí) - Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, Việt Nam hiện nay có nguy cơ phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa. “Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời để hạn chế, khắc phục tình trạng này thì hậu quả sẽ khó lường”-ông nói.

Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa tổ chức Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và biển đảo năm 2019.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, trong xu thế tin tức hiện nay, chủ đề tài nguyên môi trường luôn là trọng tâm, được cộng đồng đặc biệt quan tâm, được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương thường xuyên đăng, phát với dung lượng, thời lượng nhiều hơn, nội dung chuyên sâu hơn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng và chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần không nhỏ trong quá trình lớn mạnh của ngành.

“Việt Nam có nguy cơ phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa” - 1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại diễn đàn.

Theo ông Thành, trước thực trạng rác thải nhựa trên đất liền và đại dương đang là thách thức lớn đối với Việt Nam, suốt từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động nhiều phong trào chống rác thải nhựa nhằm từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, hướng tới một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững.

Diễn đàn lần này với chủ đề “Chống rác thải nhựa: Trách nhiệm quản lý - Truyền thông - Doanh nghiệp” nhằm để góp phần truyền tải các thông điệp về ô nhiễm rác thải nhựa hay được gọi là ô nhiễm trắng cả trên đất liền và đại dương.

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng nhằm mục đích kêu gọi sự chung tay của từng tổ chức, doanh nghiệp, người dân và các cơ quan truyền thông, báo chí trong công cuộc chống rác thải nhựa.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, Việt Nam hiện nay có nguy cơ và phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa. “Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời để hạn chế, khắc phục tình trạng này thì hậu quả sẽ khó lường”-ông nói.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, Việt Nam mỗi năm phát thải khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt/năm, trong đó rác thải nhựa khoảng 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên việc thu hồi rác thải nhựa hiện nay chưa cao, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Rác thải hiện chủ yếu được tập trung, xử lý tại các bãi rác và một phần trôi nổi ra biển.

Trước thực trạng này, Chính phủ từ lâu đã có những quan tâm và chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng những đề án, kế hoạch nhằm giảm lượng rác thải nhựa.

Ông Hoàng Văn Thức- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ về xử lý rác thải nhựa.

Chia sẻ một số nhóm giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý rác thải nhựa hiện nay, ông Thức cho rằng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa; tăng cường sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan thông tấn báo chí; phát triển công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các vật liệu mới thay thế cho việc sử dụng túi nilon.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Sĩ Tuấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng thừa nhận thực trạng biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương.

Vì vậy để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, ông Tuấn khẳng định phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ đất liền và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về rác thải nhựa đại dương,...

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương) cũng khẳng định, để cuộc vận động chống rác thải nhựa đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền cần tập trung vào nhiều nội dung khác nhau. Trong đó, chú trọng ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chống chất thải nhựa, bảo vệ môi trường sống không chỉ trong hiện tại mà còn về lâu dài...

Bà Hoài nhấn mạnh đối tượng tuyên truyền phong trào chống rác thải nhựa là toàn xã hội, nhưng cần tập trung vào doanh nghiệp và hộ gia đình để họ chủ động giảm rác thải nhựa trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Càng lan tỏa bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nhưng cần tập trung những đối tượng để tác động mạnh mẽ hơn.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm