Việt Nam chưa có quốc hoa vì "không ai có thẩm quyền quyết"

Hoài Thu Ngọc Tân Hà Mỹ
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhắc lại năm 2011, khi Bộ Văn hóa đề xuất chọn hoa sen là quốc hoa, làm xong trình lên lại vướng mắc vì "không biết ai là người có thẩm quyền công nhận, ai là người ký".

Việc xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam được đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, chiều 5/6.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Cảnh nhắc lại câu trả lời của Bộ trưởng rằng "du lịch cũng cần tiếp thu văn minh nhân loại".

Đại biểu tỉnh Bình Định băn khoăn khi ở quy mô quốc gia chưa có bộ nhận diện bản sắc Việt Nam. Ông cho rằng khách quốc tế ít quay lại với du lịch Việt Nam do chúng ta "chưa rõ bản sắc".

Dẫn chứng, ông Cảnh nói du lịch Nhật Bản dễ nhớ vì họ có sushi, núi Phú Sỹ, kimono, hoa đào, trà đạo... Theo ông, bản sắc quốc gia thể hiện qua trang phục, ẩm thực, thắng cảnh, âm nhạc, nghệ thuật.

Việt Nam chưa có quốc hoa vì không ai có thẩm quyền quyết - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Ảnh: Hồng Phong).

Trong khi đó, vị đại biểu cho rằng du lịch Việt Nam có thể để lại dấu ấn với du khách về áo dài, phở, Sơn Đoòng, Hạ Long, đàn bầu, múa rối nước, rượu...

"Hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào được duyệt quốc hoa, quốc phục, quốc tửu, quốc cầm, vì vậy gây hạn chế việc quảng bá Việt Nam ra thế giới", đại biểu Cảnh hỏi quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về việc xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam.

Thừa nhận việc xây dựng thương hiệu rất cần thiết, song Tư lệnh ngành Văn hóa cho biết chưa có cơ sở pháp lý cho việc này. "Đây là khoảng trống về pháp lý", ông nói.

Ông nhắc lại thời điểm hơn 10 năm trước (năm 2021), Chính phủ giao cho Bộ VHTT&DL xây dựng bộ nhận diện về quốc hoa.

Bộ khi đó đề xuất hoa sen, nhưng làm xong trình lên lại vướng mắc vì không biết ai là người có thẩm quyền công nhận, ai là người ký… "Cuối cùng câu trả lời không ai có thẩm quyền cả vì không có quy định", ông Hùng nhắc lại.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết việc nhận diện lễ phục, trang phục có tính chất đặc trưng của Việt Nam cũng đã được nghiên cứu nhưng sau đó khó khăn nên phải dừng lại.

Tư lệnh ngành Văn hóa chia sẻ với băn khoăn của đại biểu Cảnh vì thấy đại biểu nhiều lần mặc áo dài đi họp, cho thấy đại biểu rất trăn trở và muốn giữ bản sắc văn hóa.

Việt Nam chưa có quốc hoa vì không ai có thẩm quyền quyết - 2

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Hồng Phong).

"Nhân đây, chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội bổ sung khoảng trống pháp lý trong việc này. Có thể giao cho một địa phương hay bộ nào, đưa vào trong luật để Chính phủ, bộ, ngành được thẩm quyền công nhận. Bởi vì đưa ra nhận diện rồi không được cấp thẩm quyền công nhận thì không được", ông Hùng nói.

Ông nhấn mạnh phải căn cứ vào quy định để xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng chất vấn Tư lệnh ngành Văn hóa về việc phát triển thương hiệu du lịch ở các địa phương.

Nữ đại biểu tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam hỏi Bộ trưởng về giải pháp phát triển du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với du lịch quốc gia.

Việt Nam chưa có quốc hoa vì không ai có thẩm quyền quyết - 3

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Ảnh: Hồng Phong).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhắc đến các sản phẩm du lịch có lợi thế của vùng này như du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, trải nghiệm về thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa bản địa.

"Đồng bằng sông Cửu Long đang nhận diện và thu hút được khách, cũng có nhiều điểm phát triển tốt và có thương hiệu", ông Hùng nói và nhấn mạnh mỗi tỉnh phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc, và biết dựa trên tài nguyên văn hóa để làm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng dẫn chứng một số tập đoàn lớn với định hướng "làm đẹp những vùng đất" để cho ra có những sản phẩm độc đáo. "Không nói đâu xa, như ở Tây Ninh, núi Bà Đen cũng là một sản phẩm", ông Hùng nói.

Bộ trưởng Văn hóa lưu ý cần giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng lưu trú, các điểm du lịch phải có doanh nghiệp lớn vào để đầu tư và tạo ra được các sản phẩm, để người dân được hưởng lợi từ việc này.