Việt Nam cần tăng gấp đôi sản lượng điện trong 5 năm tới
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ cần sản xuất lượng điện gấp đôi hiện tại, chuyển dịch từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
"Năm năm tới, nước ta sẽ cần sản xuất lượng điện gần gấp đôi công suất đã tích lũy mấy chục năm qua. Điều này tạo thách thức cho ngành điện nhưng mở ra cơ hội rất lớn cho nhà đầu tư", Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo Năng lượng mới và năng lượng tái tạo - Tiềm năng và năng lực đầu tư. Hội thảo do tỉnh Bến Tre tổ chức chiều 2/10 tại TP Bến Tre.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt. Con người đã nhận ra mặt trái của nguồn năng lượng này, đó là biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Vì thế, việc phát triển các nguồn năng lượng mới là xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ cần thời gian, phải vượt qua nhiều thách thức như vốn, công nghệ, nhân lực… Nhà nước đã nhận diện những khó khăn nói trên, từ đó sẽ có giải pháp khắc phục, dần hoàn thiện hạ tầng pháp lý.
"Chủ trương của Đảng đã rõ, chiến lược của Nhà nước đã xây dựng. Sắp tới Chính phủ sẽ hoàn tất hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tới, sửa luật Điện lực, mở đường cho điện gió ngoài khơi phát triển", Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Việt Nam là một trong những quốc gia hội tụ đầy đủ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng về nắng, gió để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng từ hydro xanh...
Phó Thủ tướng hoan nghênh Bến Tre đã tiên phong, mạnh dạn xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng trong lĩnh vực năng lượng mới. Hy vọng Bến Tre sớm trở thành hình mẫu trung tâm năng lượng hydrogen của cả nước, thay đổi bộ mặt của tỉnh bởi các dự án điện gió.
Để đạt được điều này, Phó Thủ tướng đề nghị Bến Tre cần lắng nghe doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý trong quá trình mời gọi đầu tư.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, công suất lắp đặt nguồn điện của nước ta hiện nay là hơn 82.600MW, trong đó công suất từ năng lượng tái tạo chiếm 27.1%. Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt gần 44 tỷ kWh chiếm hơn 20,5% toàn hệ thống.
Cũng theo bà Thắng, Việt Nam đã và đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Chính phủ đặt mục tiêu tổng công suất lắp đặt nguồn điện đến năm 2030 là gần 150.500MW, trong đó nguồn từ năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) chiếm 28,5%.
Mục tiêu đến năm 2030, công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt 100.000-500.000 tấn/năm, tăng lên 10-20 triệu tấn/năm vào năm 2050. Định hướng đến năm 2050, nhiên liệu hydro sẽ được sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện LNG, nhiệt điện khí.
Thứ trưởng Thắng cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất phát điện từ năng lượng tái tạo của các nhà máy ở Bến Tre đến năm 2030 là 1.145MW, tổng công suất điện gió ngoài khơi khu vực Nam Bộ là 1.000MW.
Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh này có 65km bờ biển, nhiều nắng gió. Hiện Bến Tre đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 19 dự án điện gió, tổng công suất hơn 1.000MW, trong đó 9 dự án đã thi công xong.
Bến Tre cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thực hiện Khu tổ hợp hydro xanh, làm dự án thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất hydro tại Việt Nam. Các nhà máy sản xuất hydro sẽ dùng điện từ các nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời tại địa phương.