Việt Nam cần lựa chọn nhà đầu tư chứ không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá!

(Dân trí) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng đã đến lúc lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn ngành nghề Việt Nam đang thiếu để kêu gọi đầu tư chứ không phải kêu gọi đầu tư bằng mọi giá. Quy chuẩn môi trường, quy chuẩn xả thải của Việt Nam cũng phải được nâng lên, phải được rà soát lại phù hợp với gian đoạn phát triển mới.

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: T.K)
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: T.K)

Bên lề buổi tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 10/5, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với báo chí xung quanh những bất cập trong việc quản lý, thanh tra, giám sát xả thải hiện nay tại các khu công nghiệp.

Phóng viên: Thưa ông, việc quản lý quy trình xả thải thải tại các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay có những bất cập nào cần phải điều chỉnh để tránh xảy ra những câu chuyện ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua ở miền Trung?

GS Đặng Hùng Võ: Những quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay được xây dựng trong thời gian khá dài. Chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm. Nhưng theo quan điểm của tôi thì cách xây dựng này còn có những điều chưa phù hợp với cách thức xây dựng của các nước phát triển. Cụ thể, các nước phát triển có những quy chuẩn ứng với từng khu vực một, ứng với từng nơi chứa nước, ứng với từng hồ, từng dòng sông; trong khi đó ở Việt Nam áp dụng một tiêu chuẩn chung, áp dụng vào những con sông đã bị ô nhiễm với những con sông chưa bị ô nhiễm cho thấy chưa hợp lý.

Điều thứ hai là hệ thống quy chuẩn của Việt Nam có thể coi là phù hợp với giai đoạn chúng ta kêu gọi đầu tư, trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư. Khi ấy chúng ta rút các quy chuẩn nhất định để có thể kêu gọi nhà đầu tư. Đến nay, có ý kiến cho rằng đã đến lúc chúng ta phải lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn ngành nghề Việt Nam đang thiếu để kêu gọi đầu tư chứ không phải kêu gọi đầu tư bằng mọi giá. Vậy nên quy chuẩn môi trường, quy chuẩn xả thải của Việt Nam cũng phải được nâng lên, phải được rà soát lại; tạo ra một quy chuẩn với các con số và mức độ phù hợp với gian đoạn phát triển mới của Việt Nam.

Trên cơ sở một nước nông nghiệp có thu nhập thấp vươn lên thành một nước công nghiệp có thu nhập trung bình cao, tôi cho rằng việc thay đổi này cũng là thông thường sau khi chúng ta nhận thấy một số điểm vẫn còn bất cập. Nhất là khi cá chết, hệ sinh thái biển miền Trung đang bị ảnh hưởng ở độ rộng khá lớn, nhiều người cho rằng đang báo hiệu thảm họa môi trường.

Tôi cho rằng, lúc này chúng ta rà soát, nâng cấp, hoàn chỉnh lại sao cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới là cần thiết và phù hợp.

Giám sát xả thải đầy đủ và chi tiết trong các luật nhưng thực tế vẫn có những vụ việc gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nặng nề tới hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường mà chúng ta sẽ phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để khắc phục sau này. Vậy phải chăng hệ thống giám sát xả thải của chúng ta đang có vấn đề nghiêm trọng?

Việt Nam có quá trình xây dựng pháp luật rất chi tiết, đầy đủ. Các quy chuẩn môi trường của chúng ta điểm mặt các chỉ số thì đầy đủ nhưng trên thực tế quy chuẩn đó có được áp dụng, thực hiện ở mọi nơi, mọi dự án hay không lại là câu chuyện khác.

Sự thực là giữa giấy tờ và thực tế bao giờ cũng có các khoảng cách. Ở những nước càng phát triển mạnh khoảng cách đó ngắn, thấp. Ở những nước đang phát triển, thậm chí chậm phát triển thì khoảng cách đó khá dài. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước có khoảng cách từ giấy tờ đến thực tiễn rất đáng kể. Để khắc phục vấn đề thực tiễn không nằm ở quy chuẩn môi trường hay tiêu chuẩn môi trường mà nằm ở khâu giám sát, kiểm tra, thanh tra, quan trắc môi trường để có hình thức xử phạt hợp lý đối với những nơi không tuân thủ.

Một trong những công cụ rất quan trọng của việc thực thi và bảo vệ môi trường là câu chuyện giám sát, kiểm tra của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và người dân.

Hiện nay, các văn bản pháp luật của chúng ta mới đưa ra cơ chế giám sát dưới dạng của các cơ quan giám sát còn đang nằm ở dân cử là Quốc hội và HĐND các cấp, ở đây chúng ta thấy đang làm rất tốt.

Nhưng còn hệ thống giám sát thứ hai là dựa vào Mặt trận Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc chưa tổ chức được việc thu nhận ý kiến giám sát của người dân.

Chúng ta cần kiện toàn lại hệ thống giám sát và mở rộng quyền giám sát cho các tổ chức xã hội, cho người dân được trực tiếp giám sát và các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm quản lý việc gây ô nhiễm và chịu trách nhiệm tiếp nhận ý kiến giám sát của người dân. Từ đấy gắn với trách nhiệm giải trình: Các cơ quan quản lý phải giải trình cho người dân, đúng ở đâu, sai ở đâu, chỗ nào phù hợp, chỗ nào không?

Vậy những việc mà chúng ta cần phải làm ngay trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Thời gian vừa rồi chúng ta làm rất tốt, cảnh sát môi trường nằm phục và tìm đúng được chứng cứ các cơ quan xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Có lẽ chỉ cảnh sát môi trường mới làm được điều này thường xuyên vì cần có những kỹ thuật của việc giám sát, kiểm tra, thanh tra; nếu không việc xả thải ra môi trường, hành vi phi đạo đức về môi trường rất khó phát hiện.

Tất nhiên, chúng ta hy vọng, trao quyền giám sát cho người dân thì bằng những thực tế của mình, người dân phát hiện được nhiều điều, từ đó làm căn cứ để các cơ quan nhà nước can thiệp vào.

Chỉ có thể cải thiện được vấn đề môi trường trên nguyên tắc sự nghiệp bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Từng người có ý thức thì mới thay đổi được việc gây ô nhiễm hiện nay, với xu hướng hình thành các thảm họa về môi trường.

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (ghi)