Viện Vật lý địa cầu cử đoàn công tác đặc biệt tới Quảng Nam
Trong cuộc họp khẩn cấp với chính quyền huyện Bắc Trà My khi đến làm việc và khảo sát thực địa tại đây vào chiều 30/11, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa chất, khẳng định những "hiện tượng lạ" vừa qua tại Quảng Nam là do ảnh hưởng động đất.
Khảo sát một vết nứt bên bờ đập thủy điện Sông Tranh 2 chiều 30/11.
Chiều 30/11, ngay sau khi đáp xuống sân bay Đà Nẵng, đoàn công tác đặc biệt gồm 4 thành viên là các phó giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Viện Địa chất và Viện Vật lý địa cầu thuộc Bộ KHCN gồm TS Trần Tuấn Anh, PGS.TS Phan Trọng Trịnh, TS Phạm Văn Hùng thuộc Viện Địa chất; TS Lê Tử Sơn (Viện Vật lý địa cầu) đã có mặt tại Bắc Trà My.
Trong cuộc họp khẩn cấp với chính quyền huyện Bắc Trà My, TS Trần Tuấn Anh - viện trưởng Viện Địa chất - khẳng định những rung chấn tại Bắc Trà My trong thời gian qua là động đất.
Đến 18h, đoàn công tác quyết định khảo sát sơ bộ mặt đập, vai đập thủy điện Sông Tranh 2 -nơi có nhiều vết sụt lún và gặp người dân để hỏi về các rung động.
TS Trần Tuấn Anh cho biết trước mắt các chuyên gia này sẽ khảo sát tìm tâm chấn của trận động đất vừa qua, từ đó mới có thể khẳng định được nguyên nhân gây ra động đất. Tại đây, các chuyên gia hỏi người dân địa phương rất tỉ mỉ về tiếng nổ, mùi khét, các rung động từ mạnh đến nhẹ và khoảng cách nghe được tiếng nổ.
Dự kiến đoàn công tác sẽ ở lại Bắc Trà My trong 10 ngày để khảo sát toàn bộ khu vực, tìm nguyên nhân. Ngày 1/12, đoàn sẽ khảo sát dọc hai nhánh của Sông Tranh theo hướng bắc - nam để tìm tâm chấn động.
Sáng nay, chính quyền huyện Bắc Trà My có buổi làm việc với Ban quản lý dự án điện lực 3, đơn vị thay mặt chủ đầu tư thực hiện công trình này về các nội dung liên quan. Tại cuộc họp, phó Ban quản lý dự án thủy điện 3 Vũ Đức Toàn cho biết tất cả vấn đề liên quan đến hiện tượng lạ vừa xảy ra trên địa bàn đều được ban quản lý báo cáo cụ thể cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ông Toàn khẳng định: “Trong quá trình triển khai dự án, EVN đã có phối hợp với Viện Vật lý địa cầu nghiên cứu về động đất tại địa điểm xây dựng. Theo đó, công trình thủy điện Sông Tranh 2 có khả năng chịu được động đất cấp 7, tức 5,9 độ Richter. Tuy nhiên, những cơn dư chấn vừa rồi chưa thể kết luận nguyên nhân vì tất cả phải chờ các nhà khoa học kết luận”.
Chủ tịch huyện Bắc Trà My Đặng Phong than thở: “Có nhiều hộ dân ở vùng tái định cư bỏ nhà vào núi, nhiều người khác cũng tự vào rừng sinh sống vì họ lo đất nổ. Những căn nhà tái định cư hàng trăm triệu đồng bỏ hoang. Chính quyền xã không có biện pháp xử lý lúc này”.
Thang MSK-64 gồm 12 cấp, được Hội đồng địa chấn châu Âu thông qua năm 1964
Cấp 1: Động đất không cảm thấy, chỉ có máy mới ghi nhận được.
Cấp 2: Động đất ít cảm thấy (rất nhẹ). Trong những trường hợp riêng lẻ, chỉ có người nào đang ở trạng thái yên tĩnh mới cảm thấy được.
Cấp 3: Động đất yếu. Ít người nhận biết được động đất. Chấn động y như tạo ra bởi một ôtô vận tải nhẹ chạy qua.
Cấp 4: Động đất nhận thấy rõ. Nhiều người nhận biết động đất, cửa kính có thể kêu lạch cạch.
Cấp 5: Thức tỉnh. Nhiều người ngủ bị tỉnh giấc, đồ vật treo đu đưa.
Cấp 6: Đa số người cảm thấy động đất, nhà cửa bị rung nhẹ, lớp vữa bị rạn.
Cấp 7: Hư hại nhà cửa. Đa số người sợ hãi, nhiều người khó đứng vững, nứt lớp vữa, tường bị rạn nứt.
Cấp 8: Phá hoại nhà cửa; Tường nhà bị nứt lớn, mái hiên và ống khói bị rơi.
Cấp 9: Hư hại hoàn toàn nhà cửa; nền đất có thể bị nứt rộng 10 cm.
Cấp 10: Phá hoại hoàn toàn nhà cửa. Nhiều nhà bị sụp đổ, nền đất có thể bị nứt rộng đến 1 mét.
Cấp 11: Động đất gây thảm họa. Nhà, cầu, đập nước và đường sắt bị hư hại nặng, mặt đất bị biến dạng, vết nứt rộng, sụp đổ lớn ở núi.
Cấp 12: Thay đổi địa hình. Phá huỷ mọi công trình ở trên và dưới mặt đất, thay đổi địa hình trên diện tích lớn, thay đổi cả dòng sông, nhìn thấy mặt đất nổi sóng. |
Theo Tuổi trẻ