Viện trưởng Lê Minh Trí: Tội phạm "chạy" cơ quan giám định thì sao?
(Dân trí) - Nêu thực trạng không có quy định về thời hạn giám định nhưng lại có thời hạn cho điều tra, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết cần có chế tài về thời gian, trách nhiệm cho người làm giám định.
Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/9, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao Lê Minh Trí có báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác thi hành án.
Tại đây, ông Trí cho biết tội phạm hình sự, dân sự, hành chính trung bình tăng hơn 10%/năm. Tội phạm cả về số lượng, tính chất, phương thức, thủ đoạn cũng tăng. Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ rất phức tạp.
Riêng cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, các cơ quan tố tụng đã thụ lý, điều tra các vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó về quy mô, tính chất phức tạp được xác định là chưa có tiền lệ.
Ông dẫn chứng các vụ án vừa xử lý mới chỉ tách ra để xác định một số hành vi, vi phạm và sẽ được tiếp tục phân tách điều tra. "Còn làm hết thì làm không nổi vì quy mô, tài sản rất lớn, rất nhiều lĩnh vực", ông Trí nêu rõ.
Lấy ví dụ vụ án khởi tố liên quan đến Công ty Vạn Thịnh Phát, ông Trí cho biết vụ án liên quan tới ngân hàng, chứng khoán, thẩm định giá, công chứng, kể cả phát hành trái phiếu, ảnh hưởng đến nguồn lực quốc gia và tài sản liên quan đến thế chấp của ngân hàng.
Theo ông Trí, các vụ đại án như Việt Á và AIC sẽ còn phải đưa ra tiếp tục xét xử, truy tố. Riêng vụ chuyến bay giải cứu đã xét xử, nên việc cân nhắc giai đoạn 2 cũng là vấn đề.
"Các vụ án này có quy mô, tính chất, nhiều vấn đề mới trong quá trình điều tra, chứng minh tội phạm", ông Trí nói.
Nêu thêm một số tồn tại khác trong công tác giám định, định giá chưa được cải thiện, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết đã giải trình một số lần với Quốc hội, đại biểu Quốc hội về việc này. Theo đó, luật hiện nay không có quy định thời hạn cho định giá, giám định nhưng thời hạn điều tra thì có, tạo ra mâu thuẫn.
Theo ông, đây có thể trở thành chỗ né tránh, thậm chí khiến cơ quan tố tụng "bó tay" trong một số trường hợp.
"Trường hợp nếu tội phạm "chạy" cơ quan giám định, định giá thì sao? Đây là thách thức chúng ta phải vượt qua", ông Trí nói và cho rằng quy định cần đảm bảo chế độ, chính sách cho người làm định giá, giám định nhưng cũng cần có chế tài về thời gian, trách nhiệm trước pháp luật đối với công việc này...
Ông lấy ví dụ trong vụ án gỗ trắc ở Quảng Trị, kết quả giám định là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, không phải của cơ quan tố tụng. Vì vậy, nếu kết quả đúng sẽ không yêu cầu xử lý pháp luật, nhưng nếu giám định nói sai, sẽ tùy theo mức độ sai để có biện pháp xử lý đúng quy định.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao cũng cho biết trong đấu tranh với tội phạm, để không lọt tội phạm thì phải áp dụng các biện pháp tố tụng đúng pháp luật nhằm phân loại, xác định và chứng minh.
"Để áp dụng việc đó, trong 100 việc cũng phải có 1-2 việc. Bây giờ, chúng ta lại coi việc này như một lỗi lớn của cán bộ tư pháp thì anh em sẽ không dám làm, mà không dám làm thì ai chống tội phạm? Ngược lại, nếu bây giờ anh em không làm, lọt không ai biết có khi lại ít trách nhiệm", ông Trí nói.
Theo ông, trong việc thực hiện yêu cầu chống oan sai, chống để lọt, cần phải chấp nhận "một con số nào đó" nhưng không được vượt ngưỡng và vẫn phải được kiểm soát.
Ông Trí nêu quan điểm ai cũng muốn con số là không được oan sai, bởi vì có 1 trường hợp cũng đau khổ vì "người ta không có như thế mà mình buộc tội". Nhưng ngược lại, ông cho rằng trong cuộc đấu tranh này, nếu để lọt tội phạm nhiều thì xã hội mất bình yên, không thể bảo vệ được đại đa số người dân.
"Trong thực tiễn thì không có con số "zero" (số 0 - PV) nên chúng ta phải chọn ra một con số. Nếu điều hành vượt con số đó 2 lần, tôi nhắc anh sửa không nổi thì anh từ chức", ông Trí nói và đề nghị cán bộ thực hiện tố tụng cần được áp dụng xác suất 0,01% là có thể tha thứ để cán bộ yên tâm hành nghề.