Biến đổi khí hậu:
Viễn cảnh khu công nghiệp, đường sá ở TPHCM đều ngập nặng
(Dân trí) - Theo kịch bản biến đổi khí hậu, TPHCM là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiệt độ, lượng mưa, mực nước đều cao bất thường và có xu thế tăng nhanh.
UBND TPHCM vừa báo cáo khẩn với các bộ , ngành về công tác ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo đó, biến đổi khí hậu đã, đang và được dự báo sẽ ảnh hưởng ngày càng bất lợi đến TPHCM, đặc biệt trong các thập kỷ tới.
Đặc biệt, Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD) đã xếp TPHCM trong danh sách 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Theo phân tích của TPHCM, biến đổi khí hậu sẽ có nhiều tác động đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực của địa phương này.
Trong đó, ngành nông nghiệp, nông thôn của TPHCM được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi, đặc thù của ngành sản xuất nông nghiệp, nông thôn, thủy sản, thủy lợi sẽ gắn chặt, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố tự nhiên.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ TN&MT dự báo, xây dựng (giai đoạn 2050-2100), TPHCM là vùng ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Độ mặn sẽ tăng cao và có xu hướng xâm nhập sâu trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ.
Bên cạnh đó, nhiệt độ, lượng mưa, mực nước đều có hiện tượng cao bất thường, xu thế tăng nhanh. Nhiệt độ tăng trên các khu vực ngoại thành là 0,3 độ C, khu vực nội thành là 0,4 độ C, trung tâm đô thị là 0,5 độ C.
Hậu quả dễ thấy nhất là diện tích đất nông nghiệp bị giảm do nước biển dâng. Nếu nước biển dâng 100cm, TPHCM được dự báo có khoảng 20% diện tích bị ngập. Các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Khu vực nông nghiệp ở ngoại thành do nằm trong vùng thấp sẽ chịu ảnh hưởng bởi nước sông khi triều cường, mưa lớn với diện tích 2.340km2, hơn 5,5 triệu người bị tác động. Cùng với việc xả lũ các hồ chứa nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, kịch bản được báo trước là hệ thống đê bao sẽ vỡ, tạo ngập úng sâu, kéo dài, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống người dân.
Đối với các ngành công nghiệp, xây dựng và năng lượng, theo kịch bản xấu nhất của Bộ TN&MT, nhiều khu công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hầu hết khu công nghiệp sẽ ngập nặng, thấp nhất là trên 10% diện tích, cao nhất là 67% diện tích.
Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) nằm cạnh sông Nhà Bè thuộc vùng ảnh hưởng mạnh của triều biển Đông nên có khả năng ngập rất cao. Một số khu công nghiệp khác bị ảnh hưởng đáng kể là Khu công nghiệp Phong Phú, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Khu Công nghệ cao. Như vậy, biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp đến các khu công nghiệp đang hoạt động bởi ngập lụt thu hẹp diện tích đất phát triển.
Mặt khác, biến đổi khí hậu ngoài tác động tiêu cực trực tiếp đến các ngành công nghiệp, xây dựng cũng ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng của TPHCM. Với nhu cầu năng lượng lớn, các nguồn năng lượng đang sử dụng phần lớn từ nguyên liệu hóa thạch, địa phương này cần có giải pháp trong bối cảnh nguồn năng lượng này có hạn và gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính.
Trong lĩnh vực giao thông, UBND TPHCM cho biết, biến đổi khí hậu sẽ tàn phá, làm hư hỏng rất nhiều công trình hạ tầng. Cơ sở hạ tầng giao thông được thiết kế theo các điều kiện môi trường bình thường, sẽ không đủ an toàn trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Mạng lưới đường bộ của thành phố dễ bị tổn thương do ngập cực đoan, ngập thường xuyên, gây gián đoạn cho phát triển kinh tế, khiến người lao động không đến được nơi làm việc, hàng hóa không thể lưu thông.
Với tình trạng ngập cực đoan và không có kế hoạch kiểm soát ngập, dự báo đến năm 2050, tất cả đường sá trên địa bàn TPHCM sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các tuyến giao thông thủy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bồi đắp lưu vực và tình trạng sạt lở, xâm thực bờ sông.
Đối với ngành du lịch, biến đổi khí hậu được dự báo làm ảnh hưởng đến các cơ sở hạ tầng, các yêu cầu khẩn cấp, làm tăng chi phí điều hành. Đáng chú ý, nhiều di tích lịch sử văn hóa, tài nguyên du lịch sẽ bị hư hại, hoạt động vận chuyển hành khách cũng bị ảnh hưởng trực tiếp.