Việc phê chuẩn bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng đúng quy trình, thống nhất cao

Thế Kha

(Dân trí) - Việc phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ với ông Trần Hồng Hà, ông Trần Lưu Quang bảo đảm đúng quy trình với sự đồng thuận, thống nhất cao.

Chiều 9/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra.

Việc phê chuẩn bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng đúng quy trình, thống nhất cao - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu. Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 3 nghị quyết, gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024; Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội (ông Phạm Bình Minh và ông Lê Minh Chuẩn - PV), phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ (ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam) và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất cao.

Cần đổi mới tư duy, có cách tiếp cận và giải pháp mới

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự báo, 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa chấm dứt và hậu quả của đại dịch còn phải khắc phục trong nhiều năm. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, xung đột Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, nhiều nước lạm phát ở mức cao, có dấu hiệu rơi vào đình trệ hoặc suy thoái, buộc phải kéo dài việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.

Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng xuất khẩu, việc làm, lao động của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy, gỗ, điện tử - điện máy… bị thu hẹp, chỉ số sản xuất công nghiệp trong Quý IV/2022 chỉ tăng 3%, giảm mạnh so với mức tăng 10,9% của Quý III/2022.

Vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn FDI năm 2022 giảm 19% so với năm trước; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tăng thu ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm.

"Những bất cập, hạn chế, yếu kém từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh, bộc lộ rủi ro, vi phạm buộc phải xử lý, lại rơi vào nguy cơ đình trệ, "đóng băng". Trong khi đó, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường", ông Vương Đình Huệ nhận định.

Việc phê chuẩn bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng đúng quy trình, thống nhất cao - 2

Kỳ họp bất thường kết thúc sau 4 ngày làm việc khẩn trương (Ảnh: Phạm Thắng).

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần quán triệt, bám sát các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 68/2022 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

"Đặc biệt cần đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới, phương pháp và giải pháp mới, tích cực, chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Vừa tập trung khắc phục, hóa giải thành công khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, nhất là giải quyết những khâu, những mặt còn trì trệ, vừa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có tính trung hạn, dài hạn bằng các giải pháp đồng bộ, hệ thống, căn cơ, hiệu quả", Chủ tịch Quốc hội mong mỏi.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Trước mắt, để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các đoàn đại biểu Quốc hội,… tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ nhằm bảo đảm đúng theo tinh thần "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng", "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.

"Đặc biệt, các vị đại biểu Quốc hội bằng các hình thức phù hợp, thông tin nhanh chóng, đầy đủ đến cử tri cả nước kết quả của kỳ họp; lắng nghe, tổng hợp và báo cáo ý kiến và nguyện vọng của cử tri; giám sát hiệu quả việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.