1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Vỉa hè Hà Nội và nỗi bức xúc "thấy đào là thấy Tết"

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - "Điệp khúc" đào đường vỉa hè dịp cuối năm ở Hà Nội nhiều ngày qua tái diễn ở nhiều tuyến phố, gây bức xúc trong nhân dân.

"Đến hẹn lại lên", "điệp khúc" đào đường vỉa hè dịp cuối năm đang xuất hiện khắp Hà Nội. Thời gian gần đây, nhiều tuyến phố thủ đô bị đào xới để lát lại vỉa hè, làm dải phân cách, đào cả lòng đường... gây bức xúc trong nhân dân.

Nhiều người dân cho biết, họ "không thể chấp nhận" được tình trạng vỉa hè thủ đô cứ bị đào xới dịp cuối năm. Người dân đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội phải có chỉ đạo để chấn chỉnh, xử lý dứt điểm vấn đề này để không còn tình trạng "thấy đào là thấy Tết".

Chia sẻ về tình trạng này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố giao cho các quận, huyện làm chủ đầu tư các dự án đào hè, lát hè. Toàn bộ các khâu lên kế hoạch, công tác thẩm định, thi công và kiểm soát sau thi công là trách nhiệm của địa phương.

Theo vị này, Sở thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất hoạt động cải tạo, chỉnh trang vỉa hè tại các quận, huyện. Sở sẽ yêu cầu các quận báo cáo và thông tin lại.

Vỉa hè Hà Nội và nỗi bức xúc thấy đào là thấy Tết - 1

Vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội bị xới tung mỗi dịp cuối năm (Ảnh: Thành Đông).

Trao đổi với báo chí, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, cho rằng, Hà Nội có chỉ đạo chỉ thực hiện đầu tư cải tạo vỉa hè, lòng đường sau khi hạ ngầm đồng bộ các hệ thống điện, cáp viễn thông, nước sạch… nhằm hạn chế tình trạng đào xới những công trình đã hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Tuy nhiên, theo bà An, lâu nay Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng đào lên, lấp xuống ở vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng giao thông, lãng phí nguồn lực đầu tư.

"Vấn đề này thể hiện quá trình thực hiện công việc không đúng theo chỉ đạo của thành phố, đồng thời thiếu sự giám sát kịp thời để phát hiện, xử lý. Cần làm rõ trách nhiệm ở những nơi xảy ra tình trạng này", bà An nêu ý kiến.

Đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng một quận trung tâm ở Hà Nội cho rằng, đây là tình trạng chung của các quận, huyện.

Vị này cho biết, khó khăn là do cơ chế. Theo đó, dịp họp HĐND đầu năm (có thể là tháng hai hoặc tháng ba) mới phê duyệt chủ trương đầu tư, trên cơ sở đó Ban quản lý mới làm công tác chuẩn bị đầu tư trình UBND quận, huyện phê duyệt đầu tư hoặc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và chờ bố trí vốn, lúc đó tiến hành đấu thầu.

Cũng theo vị này, sau khi tiến hành xong đấu thầu, lúc đó mới tổ chức thi công.

Do vậy, vào cuối năm việc lát, cải tạo vỉa hè, lòng đường mới thực hiện được.

Liên quan đến vấn đề này, từ gần một năm trước, khi báo chí và dư luận liên tục phản ánh tình trạng cải tạo vườn hoa, vỉa hè, lòng đường vào dịp cuối năm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã cho biết vấn đề này thành phố quan tâm và "nói mãi không được" vì liên quan đến kế hoạch ngân sách; cứ đầu năm làm kế hoạch đấu thầu, cuối năm mới triển khai.

Ông Thanh đề nghị các đơn vị phải thực hiện các quy trình để làm sao khi kết thúc thi công trước mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 7, không dồn các công trình đào đường, vỉa hè vào cuối năm.

"Người dân nói, báo chí nói mãi, đề nghị các đồng chí lưu ý phải đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng để trước tết bộ mặt thành phố văn minh, lịch sự", ông Thanh yêu cầu vào thời điểm cách đây gần một năm.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó UBND TP Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt tồn tại như công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu vật liệu đá đầu vào tại một số tuyến phố chưa bảo đảm theo quy định.

Ngoài ra, công tác quản lý sử dụng, bảo trì vỉa hè sau đầu tư tại một số tuyến phố chưa bảo đảm; việc quản lý, sử dụng mặt hè không đúng công năng sử dụng, mục tiêu đầu tư và thiết kế phê duyệt gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè...

Chủ trương của Hà Nội là không thi công, chỉnh trang hè phố dịp cuối năm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm