Vì sao TPHCM chi 10 triệu đồng cho mỗi tin tố cáo về tham nhũng?
(Dân trí) - Đại diện Ban Nội chính Thành ủy TPHCM đã lý giải mức chi tiền cho tin tức người dân cung cấp đồng thời đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối cho người cung cấp tin.
Chiều 2/11, tại buổi họp báo định kỳ tình hình kinh tế - xã hội, ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, đã giải thích về quy định mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của TPHCM.
Về lý do TPHCM ban hành quy định về việc mua tin (vụ việc), ông Trung lý giải, việc chi tiền nhằm khuyến khích, động viên người dân cung cấp thông tin, để từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố.
Từ trước đến nay, việc ghi nhận thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được thành phố tiếp nhận thông qua các kênh: tiếp công dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, kiểm tra, thanh tra, giám sát...
Theo đại diện Ban Nội chính Thành ủy, số tiền được trả cho mỗi tin người dân cung cấp tối đa 10 triệu đồng. Mức chi này được thực hiện theo các quy định của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Nội chính Trung ương và các địa phương.
"Hiện chưa có thước đo cụ thể để xác định số tiền này nhiều hay ít, hoặc có đáp ứng mong muốn của người cấp tin hay không. Mức chi trả trên là hình thức để khuyến khích người dân cung cấp thông tin, còn mục tiêu cao nhất, chung nhất vẫn là làm sao đạt hiệu quả về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", ông Trung nói.
Về việc bảo mật thông tin và sự an toàn của người cung cấp tin, đại diện Ban Nội chính Thành ủy cho biết, theo quy định của pháp luật về nguyên tắc tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin phải bảo đảm bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin.
Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy khẳng định, cơ chế mua tin này sẽ khó có thể bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh.
"Người cung cấp thông tin phải khai rõ họ tên, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ liên lạc và giữ mối liên hệ với người tiếp nhận thông tin, nên sẽ không thể có trường hợp nặc danh hoặc mạo danh.
Đồng thời, người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp; phải bồi thường thiệt hại nếu có hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật của mình gây ra", ông Trung nói thêm.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM đã được thành lập cuối năm 2022. Việc ban hành quy định trên ở thời điểm này là một bước để hoàn thiện các quy trình hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Trước đó, trong tháng 10, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, ký ban hành quy định về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trên địa bàn.
Người dân cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM bằng các hình thức sau:
- Cung cấp thông tin trực tiếp: Người cung cấp thông tin trực tiếp phản ánh, cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo và bộ phận tiếp nhận thông tin của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tại trụ sở làm việc hoặc địa điểm phù hợp.
- Cung cấp thông tin gián tiếp:
+ Bằng văn bản qua đường bưu điện
+ Qua hộp thư điện tử của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Ban Nội chính Thành ủy): pctntc.thanhuy@tphcm.gov.vn
- Thông tin liên hệ với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo:
+ Trụ sở Ban Tiếp công dân TPHCM: Số 15 đường Nguyễn Gia Thiều, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM.
+ Trụ sở làm việc của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo: Số 137 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM.