1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vì sao tiểu thương chợ thời trang lớn nhất TPHCM phải mua điện giá cao?

Xuân Hinh

(Dân trí) - Hàng trăm tiểu thương chợ An Đông phải mua điện từ Ban quản lý chợ ở mức 3.800 đồng/kWh.

Vì sao tiểu thương chợ thời trang lớn nhất TPHCM phải mua điện giá cao? - 1

Tiểu thương chợ An Đông đóng cửa hàng loạt hồi đầu năm 2023 vì chi phí tăng cao (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tại buổi tọa đàm trực tuyến về giá điện do báo Thanh niên tổ chức sáng nay, tại TPHCM, bạn đọc Cẩm Châu (ngụ quận 5, TPHCM) thắc mắc: "Chúng tôi kinh doanh tại chợ truyền thống An Đông, nhưng bao năm qua lại phải trả tiền theo giá mua điện của trung tâm thương mại.

Hiện, giá bán buôn điện cho chợ theo điều chỉnh mới của EVN là 2.451 đồng/kWh, nhưng tiểu thương của chợ đang trả cho Ban quản lý 3.800 đồng/kWh. Xin Điện lực TPHCM làm việc với Điện lực Chợ Lớn, UBND quận 5, Ban quản lý chợ An Đông".

Lý giải về vấn đề trên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM - Bùi Trung Kiên - cho rằng, nguyên nhân các thương nhân tại chợ An Đông phải mua điện giá cao vì chợ chưa đủ điều kiện bán điện theo giá bán buôn.

"Điện lực TPHCM cũng đã làm việc với Ban quản lý Chợ An Đông. Tuy nhiên phía Ban quản lý không đồng ý cho chúng tôi bán điện trực tiếp cho tiểu thương.

Để ngành điện có thể bán điện trực tiếp cho tiểu thương theo giá bán buôn, các tiểu thương và ngành điện có thể cùng kiến nghị với Sở Công thương TPHCM để cấp giấy phép điện lực cho Ban quản lý chợ để có đủ điều kiện hoặc Ban quản lý chợ bàn giao nhóm khách hàng này cho điện lực", ông Kiên phản hồi.

Vì sao tiểu thương chợ thời trang lớn nhất TPHCM phải mua điện giá cao? - 2

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM Bùi Trung Kiên chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: D.L.).

Cũng tại tọa đàm, hàng loạt câu hỏi đặt ra: Vì sao ngành điện lại tăng giá vào đỉnh điểm mùa nắng nóng?

Vấn đề này, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Nguyễn Quốc Dũng - cho rằng, việc điều chỉnh giá bán điện bình quân EVN thực hiện trên cơ sở các hướng dẫn, quy định tại Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng.

Hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Trong 4 năm qua (từ ngày 2/3/2019) EVN không điều chỉnh giá điện. Do vậy, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo sản xuất kinh doanh cung ứng đủ điện cho nền kinh tế quốc dân, phải đối mặt với xu thế giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng. Vừa qua, dù đã cắt giảm rất nhiều chi phí nhưng ngành điện vẫn bị mất căn bằng tài chính.

Từ những khó khăn trên, EVN đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Công thương và các bộ ngành khác đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.

Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn EVN - Võ Quang Lâm - 12/12 hồ thủy điện lớn miền Bắc có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua. Thời gian tới, tình hình cung ứng, sản xuất điện sẽ rất khó khăn. Do vậy, người dân cần nâng cao hơn nữa công tác tiết kiệm điện.

Ngoài ra, cả nước có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về "mực nước chết hoặc gần mức nước chết". Cụ thể gồm: Thủy điện Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4.

Có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% như Sơn La (2 ngày đầy tải), Tuyên Quang (2 ngày), Thác Bà (2 ngày)… và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa.