Vì sao "ông trùm" đường cao tốc Việt Nam chưa thể thu phí tự động?

Châu Như Quỳnh Nhật Minh

(Dân trí) - Các dự án do VEC quản lý không phải là các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, các dự án này do Chính phủ vay vốn giao lại cho VEC đầu tư, vận hành khai thác và tổ chức thu phí hoàn vốn.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) các dự án cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

Nguy cơ chậm trễ

VEC được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác 5 dự án đường cao tốc gồm: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong 5 dự án này mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC (15/40 làn) từ ngày 10/6/2020, các tuyến cao tốc khác vẫn triển khai thu phí theo hình thức một dừng.

Liên quan tới việc lắp đặt hệ thống thu phí ETC tại các dự án cao tốc do VEC quản lý, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và VEC đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống ETC tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội; có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ nêu trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2022.

Vì sao ông trùm đường cao tốc Việt Nam chưa thể thu phí tự động? - 1

Một trạm thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Trong báo cáo vừa gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở chủ trương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đề xuất của VEC, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất giao VEC tổ chức thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tại các dự án cao tốc. Hiện VEC đang chuẩn bị các thủ tục về lập kế hoạch thuê, yêu cầu kỹ thuật, hồ sơ mời thầu để tổ chức lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của hình thức thuê dịch vụ ETC tại các dự án cao tốc do VEC quản lý dẫn đến trình tự, thủ tục triển khai các bước tiếp theo còn một số vướng mắc cần có sự hướng dẫn từ phía các cơ quan có thẩm quyền.

"Các dự án do VEC quản lý không phải là các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, các dự án do Chính phủ vay vốn giao lại cho VEC đầu tư, vận hành khai thác và tổ chức thu phí hoàn vốn" - Bộ GTVT cho biết và nhấn mạnh hiện nay pháp luật hướng dẫn việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin được quy định tại Nghị định số 73/2019 về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Đang chờ ý kiến Bộ, ngành

Theo quy định tại Nghị định 73/2019, trình tự thủ tục triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin có 2 phương án triển khai:

Phương án 1, coi đây là hạng mục thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. VEC sẽ phải lập dự án theo trình tự, thủ tục của Luật đầu tư công và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ do dự án thuộc nhóm A. Với phương án này, tiến độ triển khai kéo dài, không thể lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ để lắp đặt, vận hành hệ thống trong năm 2022.

Phương án 2, nếu coi đây là hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, việc phê duyệt kế hoạch, tổ chức đấu thầu thuê dịch vụ và thẩm quyền do VEC quyết định.

Vì sao ông trùm đường cao tốc Việt Nam chưa thể thu phí tự động? - 2

Phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Bộ GTVT cho biết, với phương án 2, tiến độ triển khai nhanh và sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ để lắp đặt, vận hành hệ thống trong năm 2022. 

"Phương án 2 tiến độ triển khai nhanh, hoàn thành công tác lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ để lắp đặt, vận hành hệ thống trong năm 2022 và VEC đang triển khai thực hiện theo phương án 2. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có ý kiến cho rằng việc áp dụng chi phí quản lý thu phí tại các tuyến cao tốc như là chi thường xuyên là chưa hoàn toàn phù hợp" - báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ.

Hồi cuối tháng 2, VEC đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hướng dẫn trình tự, thủ tục triển khai thực hiện để bảo đảm phù hợp quy định pháp luật.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp sau đó đã chỉ đạo VEC nghiên cứu lập dự án ETC đối với từng tuyến cao tốc và xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi thực hiện. Cùng đó, VEC tiếp tục hoàn thiện hồ sơ mời thầu rộng rãi nhà cung cấp dịch vụ.

Với tiến độ triển khai này, trường hợp Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ phương án do VEC đề xuất thì dự kiến đến tháng 6/2022 VEC sẽ hoàn thành lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ lắp đặt, vận hành hệ thống.

Để tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành có liên quan để thống nhất và chỉ đạo phương án tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, phù hợp quy định pháp luật.