1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Ninh:

Vì sao nhiều công trình trái phép trên vịnh Bái Tử Long tồn tại suốt nhiều năm?

(Dân trí) - Mặc dù chính quyền sở tại đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm, xử phạt, yêu cầu tháo dỡ… nhưng các công trình xây dựng trái phép gây bức xúc trong dư luận tại một số hòn đảo trên vịnh Bái Tử Long đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại.

Vì sao nhiều công trình trái phép trên vịnh Bái Tử Long tồn tại suốt nhiều năm? - 1

Chính quyền liên tục có động thái đối với những công trình xây dựng trái phép

Liên tục lập biên bản, xử phạt, ban hành quyết định cưỡng chế

Trước thực trạng hàng loạt các công trình xây dựng trái phép tại khu vực Đền Vạ Giếng, hòn Soi Dâu… thuộc xã Thắng Lợi, UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã vào cuộc, nhiều lần kiểm tra, xử phạt, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ nhưng các chủ đầu tư vẫn “phớt lờ”. Chưa hết, có chủ đầu tư còn gửi đơn xin gia hạn thời gian thực hiện quyết định cưỡng chế, thậm chí còn gửi đơn khiếu nại, kiến nghị của luật sư đại diện cho rằng việc cưỡng chế, phá dỡ công trình không đúng qui định.

Cụ thể theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn, từ trước năm 2016, huyện đã phát hiện việc xây dựng trái phép tại khu vực Đền Vạ Giếng của ông Trần Quốc Dũng và đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn phối hợp UBND xã lập hồ sơ vi phạm, xử lý cưỡng chế phá dỡ xong các công trình nhà ở công nhân, trả lại hiện trạng ban đầu.

Đối với công trình nhà sàn gỗ 2 tầng (diện tích 80m2) qua kiểm tra UBND huyện xét thấy đây là công trình vi phạm trật tự xây dựng, không phù hợp với mục đích sử dụng nhà sắp lễ phục vụ Đền Vạ Giếng nên đã lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên trong quá trình triển khai huyện nhận được đơn khiếu nại, kiến nghị của luật sư đại diện cho ông Dũng về việc cưỡng chế, phát dỡ công trình không đúng qui định.

Đến năm 2016, khi phát hiện ông Dũng vẫn tiếp tục xây dựng thêm một số công trình khác tại khu vực trên, UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND xã Thắng Lợi lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Tiếp tục ngày 3/12/2018, UBND huyện Vân Đồn ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Trần Quốc Dũng về vi phạm tại khu vực Đền Vạ Giếng. Theo đó, yêu cầu ông Dũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do có hành vi vi phạm hành chính, buộc phải khôi phục hiện trạng ban đầu, tháp dỡ công trình vi phạm.

Liên quan đến vi phạm trên, ngày 21/1/2019, UBND huyện Vân Đồn ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biên pháp khắc phục hậu quả đối với ông Trần Quốc Dũng. Ngày 21/5/2019, ông Dũng có đơn xin gia hạn nhưng UBND huyện Vân Đồn yêu cầu ông Dũng khẩn trương tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm tại khu vực Đền Vạ Giếng.

Vì sao nhiều công trình trái phép trên vịnh Bái Tử Long tồn tại suốt nhiều năm? - 2

Không hiểu sao nhiều năm nay những công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại 

Tương tự, đối với công trình xây dựng trái phép tại hòn Soi Dâu (cùng xã Thắng Lợi) của ông Phạm Thế Duy ngay từ tháng 7/2012, UBND huyện Vân Đồn đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND xã Thắng Lợi lập hồ sơ vi phạm, ban hành quyết định cưỡng chế.

Mới đây ngày 29/7, UBND huyện Vân Đồn lại tiếp tục thành lập Tổ công tác để tiến hành kiểm tra toàn bộ các công trình xây dựng trái phép trên để có hướng xử lý.

Chủ đầu tư hạn chế hợp tác, không ký biên bản, không tự tháo dỡ…

Trước việc chính quyền sở tại đã vào cuộc kiểm tra, phát hiện, lập biên bản, xử phạt, ban hành quyết định cưỡng chế nhiều lần. Thậm chí xử lý kiểm điểm, kỷ luật tập thể, cá nhân xã Thắng Lợi với các hình thức khiển trách, cảnh cáo, điều chuyển công tác nhưng đến nay những công trình xây dựng trái phép này vẫn ngang nhiên tồn tại khiến dư luận Quảng Ninh bức xúc, đặt dấu hỏi?

Về vấn đề này UBND huyện Vân Đồn lý giải là do trong quá trình kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm huyện đã gặp một số khó khăn vướng mắc.

Cụ thể, các khu vực trên là các đảo việc đi lại kiểm tra khó khăn, không được thường xuyên nên chưa phát hiện kịp thời những vi phạm từ khi mới hình thành mà đến khi công trình hoàn thành mới phát hiện. Các chủ sự dụng đất không phải là người địa phương nên thông tin mời làm việc và hoàn thiện hô sơ xử lý vi phạm khó khăn.

Vì sao nhiều công trình trái phép trên vịnh Bái Tử Long tồn tại suốt nhiều năm? - 3

Chính quyền chỉ ra một trong những khó khăn khi xử lý là do chủ đầu tư các công trình này hạn chế hợp tác

Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm có trường hợp như công trình của ông Phạm Thế Duy, hình thành từ năm 2009 nên việc lưu giữ hồ sơ, biên bản không đầy đủ, quá trình khôi phục lại hồ sơ mất nhiều thời gian. Chưa kể chất lượng hồ sơ xử lý vi phạm còn thiếu sót như: thiếu hành vi, áp dụng lỗi hành vi chưa đúng, thời hiệu đã từ lâu… cần có thời gian tham vấn của các cơ quan của tỉnh và đoàn Luật sư.

Theo báo cáo này, khó khăn còn đến từ việc các đối tượng vi phạm hợp tác còn hạn chế, không tham gia làm việc khi UBND huyện yêu cầu, không ký các biên bản vi phạm, không có mặt tại hiện trường vi phạm khi có yêu cầu, không tự tháo dỡ các công trình vi phạm mặc dù đã được UBND huyện, chính quyền địa phương vận động, thuyết phục tự tháo dỡ công trình vi phạm để trả lại hiện trạng ban đầu do vi phạm hành chính gây ra.

Chưa hết, cũng theo báo cáo này, khó khăn còn là do một số chủ đầu tư đã xây dựng công trình quy mô lớn, giá trị đầu tư lớn dẫn đến việc tổ chức cưỡng chế gặp khó khăn, phức tạp, cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành thuộc tỉnh.

Dư luận Quảng Ninh đặt dấu hỏi, liệu còn có những công trình xây dựng trái phép khác xảy ra trên vịnh Bái Tử Long hay không? Để xảy ra thực trạng trên trách nhiệm thuộc về những ai? Chính quyền địa phương là không tránh khỏi nhưng Ban quản lý khu kinh tế liệu có ngoài cuộc? Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

 An Nhiên