1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Hà Nội:

Vì sao người dân phải “cố thủ” trong nhà nguy hiểm đặc biệt?

Lãnh đạo quận Ba Đình từng tuyên bố, quận kiên quyết di dời các gia đình đang ngụ tại B6 Giảng Võ - khu nhà được xác định là nguy hiểm đặc biệt - ngay đầu tháng 10. Nhưng đến nay, đã gần cuối tháng, các gia đình vẫn kiên quyết “cố thủ” trong căn nhà luôn đe doạ đến tính mạng của chính họ.

>> Nhà chung cư nguy hiểm B6 Giảng Võ lại “ầm ĩ”

>> Di dân khỏi “khu nhà chết” trong tháng 10

 

Không thể áp dụng biện pháp “rắn”

 

Chiều 18/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã có buổi tiếp xúc với bà con cư ngụ tại nhà B6, tuy nhiên cũng chưa giải toả được những bức xúc của người dân về hai vấn đề, đó là việc di dời dân và chọn nhà đầu tư. Người dân không đồng tình vì cách áp đặt của một số cán bộ của phường, quận và thành phố, khi quyền lợi của người dân không được đảm bảo.

 

Trong tuần qua, người dân nhà B6 nhận được hai văn bản cùng ghi ngày 5/10/2007 với hai nội dung trái ngược nhau. Một của Thanh tra Bộ Xây dựng (số 530), nêu rõ: “UBND quận không có chủ trương cưỡng chế nhân dân trong giai đoạn hiện nay vì quận đang kiện toàn ban điều hành dự án”. Một của UBND TP Hà Nội (số 1983) nêu: UBND quận Ba Đình “thực hiện xong việc di dời các hộ dân trong vòng tháng 10...”.

 

Theo bà con nhà B6, liên tiếp trong các ngày từ 8 đến 10/10, loa truyền thanh của phường đọc công văn của Thanh tra Bộ Xây dựng; từ ngày 11-14/10, loa truyền thanh lại đọc thông báo của UBND quận Ba Đình về việc chuẩn bị di dời. Ngay trong các tối 12, 13,14 tháng 10, có ba tổ công tác của phường Giảng Võ, mỗi tổ có 9 người đến từng nhà đề nghị các hộ dân phải ký nhận thông báo của UBND quận. Sau ba ngày, cũng mới chỉ có 32/111 gia đình ký nhận thông báo của tổ công tác.

 

Chủ đầu tư phải được dân ủng hộ

 

Ông Nguyễn Văn Kính - Trưởng ban đại diện nhà B6 - không giấu nổi bức xúc: “Ở trong căn nhà mà tính mạng lúc nào cũng bị đe doạ, chúng tôi cũng lo lắm. Nhưng vì sao người dân vẫn chưa chịu di dời, không phải là chúng tôi không có lý do”.

 

Theo thông báo của Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình thì bà con B6 sẽ được bố trí tạm cư tại chung cư 6 tầng ở phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng). UBND quận Ba Đình đang lập kế hoạch và nguyên tắc bố trí tạm cư, chính sách hỗ trợ khi di chuyển.

 

Ông Nguyễn Văn Kính cho biết, người dân đang cư ngụ tại B6 đều 100% có sổ đỏ, chung cư cũ thuộc sở hữu của dân thì phải thông báo công khai về kết quả giám định chất lượng nhà cho dân biết bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Người dân có quyền làm việc và chất vấn cơ quan giám định về chất lượng để đảm bảo tính trung thực, khách quan các giám định đó và lợi chính đáng của dân. Tuy nhiên, theo người dân B6, chất lượng nhà B6 đã không được Hội đồng giám định kết luận mà mới chỉ có công văn số 527 ngày 6/11/2006 của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - do ông Trần Chủng - cục trưởng ký.

 

Rất tiếc, công văn này không phải là bản kết luận của Hội đồng giám định mà đơn thuần chỉ là công văn trả lời Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội về hiện trạng chất lượng nhà B6. Người dân nhà B6 nghi ngờ và đòi hỏi cần phải có Hội đồng giám định để đưa ra những thông số kết quả giám định.

 

Người dân phải được thông báo công khai về kết quả giám định nhà, không thể căn cứ vào văn bản trả lời của ông Trần Chủng với Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội để làm căn cứ kết luận chất lượng nhà B6. Về phương án di chuyển dân để cải tạo chung cư, không nhất thiết phải dựa trên nguyên tắc chủ đầu tư bố trí nhà tạm cư. Đối với nhà thuộc sở hữu của dân, sẽ do dân và chủ đầu tư thoả thuận.

 

Những đòi hỏi chính đáng của người dân nhà B6 vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết, nhất là việc áp đặt chủ đầu tư. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã khẳng định: “Quan trọng là chủ đầu tư được lựa chọn phải được nhân dân ủng hộ, không được áp đặt”.

 

Theo Lê Huân

Lao Động