1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao người cha đủ nhẫn tâm xóa chứng cứ con gái bị "mẹ kế" bạo hành?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia tâm lý học, việc xóa dữ liệu camera xuất phát từ những nỗi sợ, như sợ ảnh hưởng đến pháp luật, sợ dư luận chạm đến. Đây rõ ràng là một hình thức che giấu cái sai đã được dự tính.

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bổ sung liên quan đến vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong gây rúng động dư luận thời gian gần đây.

Cụ thể, cơ quan điều tra có quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (25 tuổi, quê Gia Lai) về tội giết người, có quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi) ngụ quận 1 về tội hành hạ người khác và che giấu tội phạm để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. 

Dù khi làm việc với công an, Thái khai do lo sợ vụ việc ảnh hưởng đến vợ sắp cưới nên xóa dữ liệu camera. Tuy nhiên, đến nay dư luận vẫn đặt ra câu hỏi: Nguyên nhân thực sự nào khiến một người cha đủ nhẫn tâm và bình tĩnh để tìm cách tiêu hủy chứng cứ ghi lại cảnh con gái ruột của mình bị bạo hành?

Đánh con, để con bị đánh vì... "áp lực cuộc sống?"

Ông Trần Minh Khuyên - Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2), Trưởng khoa Tâm thể, phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (TPHCM) - cho biết, ở góc độ tâm lý, với những người đàn ông là trụ cột gia đình, thông thường sẽ có nhiều áp lực công việc, cuộc sống làm cho tinh thần mệt mỏi, ức chế…

Ở bên ngoài xã hội, họ liên tục kiềm chế lại mà không được bộc lộ, nên khi về nhà lại chọn cách trút giận, đánh thẳng tay lên con cái để xả hết những bực bội. Lâu dần, việc này sẽ thành thói quen và họ quên hẳn đó là hành vi sai trái.

Ở những người đã ly dị, chia tay vợ hoặc chồng, hành động bạo hành con cái cũng là tấm gương phản chiếu hình ảnh của sự đổ vỡ hôn nhân. Còn với người tình của cha/mẹ hay mẹ kế, cha dượng, có thể nảy sinh tâm lý "không cùng máu mủ", coi con riêng của chồng, vợ là sự vướng bận, là "cái gai" mà trút hết những dồn nén từ cuộc sống vào đứa trẻ.

Vì sao người cha đủ nhẫn tâm xóa chứng cứ con gái bị mẹ kế bạo hành? - 1

Đối tượng Trang tại căn phòng của bé V.A. bị bạo hành tử vong (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp). 

Cũng theo BS Khuyên, với người bình thường khi người ta thấy con mình bị đánh, cho dù là bất cứ ai thì họ cũng không chấp nhận được. Thậm chí có những cha, mẹ trước khi muốn tái hôn sẽ hỏi ý kiến của con cái, nếu con không đồng ý, họ sẵn sàng ở vậy nuôi con chứ không tiếp tục lập gia đình.

Nhưng lại có những trường hợp người cha đã "đi bước nữa" và bị stress, khi thấy mẹ kế đánh con vẫn đồng tình mà không có ý kiến gì. Họ cứ để mẹ kế, người tình lấn tới dần và dẫn đến những hậu quả nặng nề, mà trường hợp bé gái ở TPHCM là ví dụ đau lòng.

Với hành vi xóa camera để che giấu chứng con bị bạo hành, chuyên gia cho rằng người cha có thể đã chứng kiến nhiều lần việc người tình đánh con, suy nghĩ được viễn cảnh công an khi có trong tay đoạn clip từ camera sẽ biết đứa trẻ bị đánh tàn nhẫn thế nào.

Từ những thông tin mà báo chí đăng tải, cho thấy người cha đã biết đứa trẻ sẽ khó qua khỏi và lo sợ bị trừng phạt. Lúc đầu người cha nói là cháu bị té ngã, mãi sau này khi bị phát hiện mới khai với công an là bé có bị đánh, chứng tỏ đã chủ động nói dối.

"Hành động xóa camera chưa biết để bao che cho người "mẹ kế" hay để bảo vệ chính bản thân, nhưng nó chứng tỏ người cha đủ nhận thức mình là đồng phạm" - BS Khuyên nhận định.

Che giấu chứng cứ cũng là một hình thức xâm hại

Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, việc đánh con hoặc tự để con bị "mẹ ghẻ" đánh có thể xuất phát từ quan niệm giáo dục không phù hợp là "thương cho roi cho vọt", đánh để dạy dỗ. Hoặc có thể vì người cha nằm trong một mâu thuẫn nào đó với người vợ cũ và vợ mới, hay với những "phe" khác trong gia đình, với bên nội và bên ngoại.

Vì sao người cha đủ nhẫn tâm xóa chứng cứ con gái bị mẹ kế bạo hành? - 2

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (Ảnh: NVCC).

Đứa trẻ vô tình bị đặt ở giữa các mâu thuẫn đó, và bị dùng làm phương tiện tranh giành sức ảnh hưởng. Có người mua quà, bánh để "mua chuộc" trẻ, nhưng lại có người chọn cách đánh đập, dằn mặt, thể hiện uy quyền để trẻ sợ mà theo mình.

Chuyên gia Toàn Thiện chia sẻ thêm, đánh đập chỉ là một hình thức bạo hành nhìn thấy được trước mắt. Còn những cách bạo hành khác có thể khủng khiếp hơn như sự bỏ rơi, xao nhãng, không đủ sự quan tâm, chăm sóc, không có tiếng nói bảo vệ trẻ (như trường hợp mà bé V.A. chịu đựng), dù mình là người nuôi dưỡng chính.

"Có những hình thức bạo hành rất tinh vi mà đứa trẻ đôi khi phải chịu đựng rất khủng khiếp. Trong xâm hại không chỉ có xâm hại về thể chất mà còn xâm hại về tinh thần, xâm hại về tình dục, xâm hại liên quan đến sự xao nhãng con cái..." - chuyên gia nói.

Bàn luận về hành vi xóa dữ liệu camera có ghi lại cảnh bạo hành con ruột của người cha, ông Toàn Thiện cho rằng theo tâm lý học, điều này xuất phát từ những nỗi sợ, như sợ ảnh hưởng đến pháp luật, sợ dư luận chạm đến. Đây rõ ràng là một hình thức che giấu cái sai đã được dự tính.

"Nếu muốn bảo vệ con, người cha đã thực hiện từ lâu chứ không để con bị đánh suốt một thời gian dài, cho đến khi pháp luật, báo chí vào cuộc. Bản thân sự im lặng đã là một sự bạo hành. La mắng, chửi bới cũng vậy. Việc che giấu chứng cứ, che giấu camera của người cha cũng là một hình thức xâm hại" - chuyên gia khẳng định.