1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao kỳ nam có giá tới 30 tỷ đồng/kg?

Trung Thi

(Dân trí) - Theo ông Biện Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Trầm hương tỉnh Khánh Hòa, hàng triệu cây dó bầu mới có một cây tạo kỳ nam, bởi vậy rất quý hiếm.

Vì sao kỳ nam có giá tới 30 tỷ đồng/kg? - 1

Cả trăm người leo núi Đèo Cả để tìm kỳ nam (Ảnh: Mạnh Phong).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Biện Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Trầm hương tỉnh Khánh Hòa, người có kinh nghiệm 40 năm nghiên cứu về trầm hương, kỳ nam, cho biết kỳ nam được hình thành sau hàng trăm đến hàng nghìn năm, chỉ xuất hiện duy nhất ở Việt Nam.

Các yếu tố quyết định giá kỳ nam bao gồm lượng dầu có trong gỗ, khả năng chìm nổi của khối gỗ và kích thước của nó.

Ông Dũng cho rằng, nếu kỳ nam có lượng dầu tốt, khối lượng trên 1kg, có thể làm vòng trang trí, giá thu mua lên đến 30 tỷ đồng/kg là chuyện bình thường.

"Hiện nay kỳ nam rất khó tìm, lâu lắm mới có một người đào được mẩu nhỏ. Giá kỳ nam tùy theo chất lượng, dao động từ 10 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng/kg. Thường mặt hàng này chủ yếu được bán sang Trung Quốc vì họ vừa có kỹ thuật để chế tác vừa có nhu cầu sử dụng nhiều", ông Dũng cho hay.

Theo Chủ tịch Hội Trầm hương tỉnh Khánh Hòa, kỳ nam và trầm hương đều được hình thành trên cây dó bầu. Tuy nhiên kỳ nam do qua quá trình cây bị nhiễm bệnh bởi các tác nhân của tự nhiên, tự bản thân sinh ra kỳ; còn trầm hương có tác nhân bên ngoài như kiến đục, gió ngã đổ… khiến cây dó bầu bị tổn thương, nhựa cây tiết ra nơi có vết thương tạo ra trầm.

"Hàng triệu cây dó bầu thì mới có một cây tạo kỳ nam, từ đó rất quý hiếm", ông Dũng nói.

Vì sao kỳ nam có giá tới 30 tỷ đồng/kg? - 2

Kỳ thanh - một loại kỳ nam quý hiếm được tìm thấy ở nước ta (Ảnh: Biện Quốc Dũng).

Cũng theo ông Dũng, nhiều cây dó bầu cho vài chục đến cả trăm ký kỳ nam là hoàn toàn có thể. Những cây càng cho nhiều kỳ nam sẽ chết dần và ngã đổ, lâu ngày phần vỏ bên ngoài phân hủy bởi thời gian, lớp bên trong là lõi dầu còn nguyên vẹn nên gọi là "kỳ rục". Cây còn sống cho ra kỳ còn gọi là "kỳ sinh".

Để phân biệt trầm hương và kỳ nam, người ta thường căn cứ vào mùi thơm và dạng kết tinh của dầu, sự hóa nhựa ít hay nhiều để nhận biết. Kỳ nam có mùi thơm rất ngào ngạt, dù gói kín nhiều lớp vẫn không giấu được mùi thơm.

Vị của kỳ nam sẽ cay, chua, ngọt, đắng và làm tê khoang miệng khi nếm thử.

Theo ông Dũng kỳ nam có 4 loại gồm "nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc".

Bạch kỳ có màu như lá chuối non, khi nạo ra một lớp để một thời gian sẽ có màu trắng; thanh kỳ cũng có màu lá chuối non, nhưng khi nạo vào thì có màu đen; huỳnh kỳ có màu vàng đậm, thường xuất hiện ở các vùng thuộc tỉnh Bình Thuận; kỳ hắc có màu đen, cứng, nặng, độ tê lưỡi và mùi thơm ít hơn.

Ngoài ra còn có kỳ hương, loại này chất lượng thường kém hơn so với 4 loại còn lại, mùi thơm nhạt, nhưng tỏa đi rất xa. Kỳ hương thường được phát hiện ở tỉnh Phú Yên.

Chủ tịch Hội trầm hương tỉnh Khánh Hòa cho biết kỳ nam có nhiều tác dụng với sức khỏe của con người. Trong đó, một công dụng đã được kiểm chứng qua nhiều thế hệ là trị bệnh trúng gió.

"Ngày xưa trúng gió, đau bụng, ói mửa chỉ cần uống một ly rượu ngâm kỳ nam hoặc gọt một chút bỏ vào nước ấm uống thì 100% dứt liền. Kỳ nam còn có thể chữa tai biến nhẹ với liệu trình thích hợp", ông Dũng nói.

Cách đây 10 ngày, tại Phú Yên người dân truyền tai nhau tin đồn có nhóm phu trầm trúng được vài lạng kỳ nam trên rừng đặc dụng Đèo Cả (rừng nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), bán được 10 tỷ đồng.

Tin đồn nhanh chóng lan rộng. Đến đêm 7/4, hàng trăm thanh niên, trai tráng ở thị xã Đông Hòa, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) và huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) mang theo dụng cụ, kéo nhau băng rừng để đào kỳ nam. Nhưng kết quả ai cũng tay trắng đi về.

Người dân đồn đoán 1kg kỳ nam có thể bán với giá hàng chục tỷ đồng.