Vì sao Hải Dương không cách ly bắt buộc người đến từ vùng dịch?

(Dân trí) - Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương giải thích lý do vì sao tỉnh này không thực hiện cách ly 14 ngày đối với người đến hoặc đi qua vùng có dịch như các tỉnh lân cận.

Tôn trọng các biện pháp cách ly bắt buộc của Hải Phòng

Chiều 13/4, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lương Văn Cầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Hải Dương cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh này vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19. 

Vì sao Hải Dương không cách ly bắt buộc người đến từ vùng dịch? - 1

Ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.

Về lý do Hải Dương không thực hiện cách ly 14 ngày đối với người đến hoặc đi qua vùng có dịch như các tỉnh lân cận, ông Cầu giải thích: Hải Dương là địa bàn trung gian giữa các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh...; trên địa bàn có tuyến đường 5 huyết mạch, nếu "cách ly 14 ngày" thì tuyến quốc lộ 5 sẽ tê liệt, ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông hàng hóa, sản xuất của các nhà máy,... 

Tuy nhiên, ông Cầu cũng nói rõ, những người đến từ hoặc đi qua "tâm dịch" như Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đều phải được cách ly tập trung đủ 14 ngày với sự giám sát y tế chặt chẽ.

Trao đổi về vấn đề lao động trên địa bàn Hải Dương gặp khó khăn trong việc đi lại, làm việc khi TP Hải Phòng thực hiện cách ly 14 ngày đối với những người đến hoặc đi qua vùng có dịch, ông Cầu nói: "Chúng tôi rất tôn trọng quyết định của TP Hải Phòng, vì mỗi tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế mà thực hiện các biện pháp phòng dịch cho phù hợp".

Vì sao Hải Dương không cách ly bắt buộc người đến từ vùng dịch? - 2

Hải Dương cho dừng 652 chốt kiểm dịch Covid-19. (Ảnh: PLVN).

Ông Cầu cho biết thêm, khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Hải Dương đã và sẽ cho dừng hoạt động những doanh nghiệp không đủ điều kiện phòng dịch và không thuộc diện được sản xuất theo Chỉ thị 16.

Thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp không thể cho hàng nghìn công nhân đi làm cùng 1 lúc mà phải tổ chức đi làm luân phiên, trong nhà máy phải đứng đúng khoảng cách 2m. 

"Chúng tôi cũng đề nghị Ban Chỉ đạo các huyện động viên người lao động không tập trung đông ở các bến đò, phà mà cần cách ly ở nhà, vì mục tiêu đặt lên hàng đầu là chống dịch. Người lao động nếu cố tình sang Hải Phòng sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày, hoặc thuê trọ ở lại bên Hải Phòng thì tốn kém hơn đi về hàng ngày vì đồng lương công nhân hạn chế. Thời gian tới, chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi với lãnh đạo TP Hải Phòng để khi có các điều kiện tháo gỡ thì tháo gỡ cho nhóm công nhân này" - ông Cầu nói thêm.

"Dịch Covid-19 càng cho thấy phát thanh phường xã phát huy tác dụng"

Nhận thức rõ là địa bàn có mật độ giao thương đi lại lớn, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 rất cao, ngay từ Tết Canh Tý 2020, tỉnh Hải Dương đã cho triển khai thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở các cấp; quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch. 

"Chúng tôi chủ động tuyên truyền về dịch Covid-19 từ rất sớm để người dân hiểu và có biện pháp phòng tránh. Tuyên truyền qua báo chí địa phương và Trung ương, đặc biệt là hệ thống phát thanh xã, phường rất tích cực trong việc này. Trước đây chúng ta từng bàn về việc tồn tại của hệ thống phát thanh xã, phường, nhưng qua dịch Covid-19 càng cho thấy hệ thống phát thanh này phát huy tác dụng rất tốt" - ông Cầu nói.

Ông Cầu chia sẻ thêm, trong nguyên tắc của phòng, chống dịch Covid-19 là ngăn chặn để rồi phát hiện (nếu có). Ban Chỉ đạo các cấp, đặc biệt bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn là những người rất sâu sát địa bàn, nắm rất rõ ai vào-ra ở địa phương mình, từ đó ngăn chặn, phát hiện và tiến tới khoanh vùng cách ly rồi dập dịch nếu có.

"Riêng đối với ổ dịch Bạch Mai, tính đến ngày 11/4, Hải Dương có 2.396 người liên quan. Qua đó cho thấy công tác rà soát, nắm tình hình của Ban Chỉ đạo các cấp cũng rất khẩn trương, kịp thời. Hiện số này đã được chúng tôi cho cách ly theo đúng quy định và tiến hành lấy mẫu mang đi xét nghiệm. Phần lớn các mẫu bệnh phẩm của những người này đều âm tính với Covid-19, số còn lại đang chờ kết quả" - ông Cầu cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch tỉnh, Hải Dương đã sớm đưa các cơ sở y tế vào thực hiện xét nghiệm Covid-19, như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh,... Các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm ở các đơn vị này đều cho kết quả trùng khớp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Dừng hoạt động 652 chốt kiểm dịch

Ông Lương Văn Cầu cho biết, tính đến chiều 13/4, tỉnh Hải Dương đã cho dừng 652 chốt kiểm dịch Covid-19, giai đoạn đầu là 833 chốt. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn 181 chốt, trong đó 29 chốt cấp tỉnh, 35 chốt cấp huyện, 117 chốt cấp liên xã phường.

"Các chốt được hình thành như một bước tổng duyệt cho việc cách ly mang tính phong tỏa. Sau khi các chốt đi vào hoạt động, từng bước chúng tôi tiến hành rà soát để rồi định hình cơ cấu các chốt hợp lý nhất. Những chốt ở gần nhau, hoạt động chồng chéo không phát huy hiệu quả chúng tôi đã cho dừng" - ông Cầu nói.

Nguyễn Dương