1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người lao động mong có "thẻ thông hành" để đi làm trong thời dịch

(Dân trí) - Lãnh đạo một doanh nghiệp nước ngoài ở Hải Dương mong chính quyền Hải Phòng tạo điều kiện cho công nhân được cấp thẻ hoặc giấy thông hành để tiện đi lại làm việc giữa hai địa phương.

Hiện tại, đã có một số tỉnh, thành phố như: Bình Định, Bắc Ninh, Lào Cai, Sơn La, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hải Phòng… yêu cầu những người đến và đi qua vùng có dịch Covid-19 phải cách ly 14 ngày.

Tại TP Hải Phòng, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện cách ly tập trung đối với tất cả người từ vùng dịch về Hải Phòng từ ngày 3/4 và phải tự trả chi phí cách ly. Các quận, huyện thực hiện rà soát đưa người đi cách ly, các chốt kiểm soát ra vào thành phố đưa người phải cách ly về thẳng các khu tập trung.

Theo chỉ đạo này, người từ Hải Phòng đến các tỉnh khác phải có giấy xác nhận cho phương tiện ra ngoài của chủ tịch cấp quận, huyện, khi trở về từ các địa phương có dịch phải cách ly y tế tập trung.

Tại các chốt kiểm soát cửa ngõ không soát xét xe tải nhưng chỉ cho mỗi xe không quá hai người vào thành phố, vượt quá số người phải đưa vào cách ly tập trung. Người đã hoàn thành cách ly y tế tại các tỉnh về Hải Phòng đã có giấy xác nhận được phép vào thành phố.

Như vậy, vô hình trung, những người lao động sống ở Hải Phòng nhưng hàng ngày đi làm ở Hải Dương (hoặc ngược lại) sẽ rất khó khăn trong việc đi làm mưu sinh. 

Người lao động mong có thẻ thông hành để đi làm trong thời dịch - 1

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, Hải Dương thiếu lao động do lao động khó khăn trong việc đi lại.

Tính riêng trên địa bàn huyện Tứ Kỳ của tỉnh Hải Dương có khoảng 2.000 lao động là người Hải Phòng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc đi lại của số lao động này cũng gặp khó khăn.

Ông Lâm Văn Chấn, Giám đốc Hành chính một công ty nước ngoài trên địa bàn huyện Tứ Kỳ cho biết: "Chúng tôi hy vọng chính quyền Hải Phòng tạo điều kiện cho công nhân có thẻ hay giấy thông hành nào đó vì khoảng cách đi làm việc không xa. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong chính quyền Hải Dương có kiến nghị nào đó sang bên Hải Phòng để giúp đỡ doanh nghiệp, giúp đỡ công nhân có công ăn việc làm".

Người lao động mong có thẻ thông hành để đi làm trong thời dịch - 2

Ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết: Trước bất cập nêu trên, huyện này sẽ cùng với doanh nghiệp trao đổi với chính quyền cùng cấp của TP Hải Phòng để tạo điều kiện cho xe ô tô đưa đón chuyên gia, công nhân sang các công ty trên địa bàn huyện Tứ Kỳ để làm việc.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, hiện nay Hải Dương đang cho đóng cửa nhiều bến đò, phà trên sông Văn Úc. Như vậy những công nhân sống ở Hải Dương hàng ngày phải đi phà qua sông để sang Hải Phòng làm việc gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại.

Người lao động mong có thẻ thông hành để đi làm trong thời dịch - 3

Bến phà Quang Thanh trên sông Văn Úc đã dừng hoạt động nhiều ngày nay.

Trước đây mỗi ngày có hàng trăm công nhân ở các xã ở huyện Tứ Kỳ và Thanh Hà (Hải Dương) đi qua bến đò, phà trên sông Văn Úc để sang làm việc tại các công ty ở huyện An Lão và Tiên Lãng của TP Hải Phòng. Những ngày qua không thể qua sông đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận nghỉ việc, thậm chí mất việc làm. 

Ông Đặng Ngọc Thuận (ở xã Thanh Khê, Thanh Hà, Hải Dương) chia sẻ, ông làm nghề xây dựng và đang làm tại một công trình bên đất Hải Phòng. Do bến phà Quang Thanh của xã này dừng hoạt động nên ông cũng đành ở nhà chờ khi bến phà hoạt động lại thì mới đi làm được.

Ông Thuận cùng nhiều người lao động chia sẻ, phòng chống dịch bệnh Covid-19 là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, người dân rất đồng lòng, song ông mong chính quyền các địa phương có hướng giải quyết hợp lý để tạo điều kiện cho người dân mưu sinh trong thời điểm dịch bệnh khó khăn.

Về kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, Chủ tịch huyện Nguyễn Ngọc Sẫm cho biết, hiện nay trên địa bàn có 9 chốt kiểm dịch cấp huyện, 177 tổ kiểm dịch cấp xã (tổ này chủ yếu là tuyên truyền, theo dõi giám sát người từ nơi khác đến).

Nói thêm về hoạt động của 9 chốt kiểm dịch trên, ông Phạm Văn Điển, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ cho biết, mỗi chốt kiểm dịch có 1 nhân viên y tế và làm việc 3 ca/ngày.

Đối với người từ vùng có dịch đến tỉnh Hải Dương, ông Lương Văn Cầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Phó trưởng ban Thường trực chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương cho biết: "Tỉnh Hải Dương chưa có chủ chủ trương cách ly người từ nơi khác đến, mà chỉ thực hiện khai báo y tế. Đối với những người quê ở Hải Dương về thăm người thân thì khi về cũng phải khai báo y tế và giám sát y tế tại nhà ở địa phương đó".

Nguyễn Dương