Vì sao dự án lấn sông Đồng Nai vẫn “sống khỏe”?

(Dân trí) - Cơ sở nào để công trình lấn sông của tỉnh Đồng Nai vẫn “thoải mái” triển khai bất chấp phản ứng từ nhiều phía?

Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, trong quá trình lập dự án, UBND phường Quyết Thắng (TP. Biên Hòa) đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại địa phương về phương án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án với nhiều thành phần tham gia. Kết luận cuộc họp thống nhất phương án quy hoạch, đề nghị đẩy nhanh tiến độ và có quan tâm đời sống các hộ dân có đất bị quy hoạch.

Sau đó, hồ sơ quy hoạch đã được thông qua Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, xin ý kiến tham vấn góp ý của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (gồm đại diện các Hội Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, Hội Thủy lợi Đồng Nai, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường, Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh), hội nghị kết luận dự án có nhiều ưu điểm, hoàn toàn có tính khả thi triển khai thực hiện; đánh giá cao tác động tích cực của dự án trong việc góp phần cải tạo và bảo vệ sông Đồng Nai, nâng cao môi trường sống, tăng diện tích cây xanh đô thị, góp phần phát triển thương mại – dịch vụ trên địa bàn.

Quá trình lấn sông Đồng Nai ra khoảng 100m sắp về đích
Quá trình lấn sông Đồng Nai ra khoảng 100m sắp "về đích"

Ngày 27/8/2011 Cục Đường thủy nội địa có Văn bản số 1087/CĐTNĐ-QLHT; thống nhất chủ trương tuyến kè bờ sông Đồng Nai thuộc dự án gia cố bờ sông Đồng Nai tại bờ trái từ KE-01 đến KE-07 được thể hiện trên bình đồ 1/2000 do Công ty TNHH khảo sát thủy đạc lập tháng 7/2011, và đề nghị gửi hồ sơ về Chi cục đường thủy nội địa phía Nam xem xét cho ý kiến theo phân cấp thẩm quyền.

Ngày 2/1/2013 Chi cục đường thủy nội địa phía Nam có Văn bản số 01/CCĐTNĐPN-KTKH thống nhất thỏa thuận vị trí kè của dự án. Đến ngày 11/6/2014 Chi cục đường thủy nội địa phía Nam có Văn bản số 285/CCĐTNĐPN-KTKH thỏa thuận cụ thể tọa độ các điểm tim đỉnh kè; đồng thời xác nhận tuyến kè nằm ngoài luồng và hành lang bảo vệ luồng trên sông Đồng Nai, về mặt giao thông thủy là phù hợp.

Ngày 13/9/2013, UBND tỉnh duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Diện tích lập quy hoạch là hơn 15 ha; trong đó: Khu vực hiện hữu, cải tạo gần 4,8 ha; Khu vực phê duyệt mới hơn 10 ha. Dân số khu cải tạo: 650 - 700 người, khu phát triển mới: 2.300 - 2.350 người. Diện tích chiếm đất của các công trình xây dựng chiếm khoảng 15,4%; diện tích cây xanh (bao gồm cả cây xanh trong các công trình) khoảng 18%; diện tích sân đường nội bộ và đậu xe khoảng 20%; còn lại khoảng 46,6% là đất giao thông công cộng.

Việc san lấp sông Đồng Nai vẫn diễn ra bất chấp phản ứng từ nhiều phía - Ảnh chụp trưa 25/3
Việc san lấp sông Đồng Nai vẫn diễn ra bất chấp phản ứng từ nhiều phía - Ảnh chụp trưa 25/3
Việc san lấp sông Đồng Nai vẫn diễn ra bất chấp phản ứng từ nhiều phía - Ảnh chụp trưa 25/3

Quy hoạch sau khi được duyệt giao Sở Xây dựng, UBND thành phố Biên Hòa, UBND phường Quyết Thắng, Công ty Toàn Thịnh Phát công bố công khai theo quy định tại trụ sở UBND phường và Văn phòng các khu phố có liên quan, và panô công khai quy hoạch trước vị trí dự án.

Đến ngày 21/7/2014 UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận đầu tư dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.

Ngày 22/7/2014 Cục Đường thủy nội địa phía Nam có Văn bản số 365/CCĐTNĐPN-PC chấp thuận phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa phục vụ thi công xây dựng bờ kè của dự án. Ngày 19/9/2014 Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 10 có Thông báo hạn chế giao thông thủy trên sông Đồng Nai từ ngày 25/9/2014 do Công ty Toàn Thịnh Phát thi công kè thuộc dự án cải tạo cảnh quan và phê duyệt đô thị ven sông Đồng Nai từ km38+500 đến km39+800 bờ trái sông Đồng Nai.

Sau đó, dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai đã được cấp Giấy phép xây dựng ngày 15/1/2015. Toàn bộ khu vực ven sông từ Sở Giáo dục và Đào tạo đến đình Phước Lư thuộc phường Quyết Thắng nằm trong diện quy hoạch giải tỏa để thực hiện dự án cảnh quan ven sông Đồng Nai.

Các khối đá to được chèn phía xa bờ sau đó đá nhỏ hơn sẽ được dùng để tạo mặt bằng
Các khối đá to được chèn phía xa bờ sau đó đá nhỏ hơn sẽ được dùng để tạo mặt bằng
Các khối đá to được chèn phía xa bờ sau đó đá nhỏ hơn sẽ được dùng để tạo mặt bằng

Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, trước đó vào năm 2007, tỉnh đã mời các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp kè lấn sông, và đã có những nghiên cứu cẩn trọng đánh giá tác động của phương án này. Qua đó các cơ quan nghiên cứu kết luận việc xây dựng kè cách 50m, 70m, 100m tại vị trí đoạn sông mở rộng trên 800m ăn sâu vào bờ không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không gây ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận. Vị trí kè lấn sông đã được phê duyệt trong điều chỉnh quy hoạch và được thực hiện công khai theo đúng quy định.

Trung Kiên