1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao buýt nhanh BRT chưa thu hút được đông hành khách?

Nguyễn Hải Tiên Phong

(Dân trí) - Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên đánh giá, buýt nhanh BRT của Hà Nội chưa thu hút được đông hành khách bởi tuyến đường ngắn, ít tuyến kết nối.

Mới đây, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Tại cuộc làm việc này, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết do hạn chế về hạ tầng, buýt nhanh thành "buýt chậm" nên BRT Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ được thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.

Giờ cao điểm xe buýt BRT luôn chật kín hành khách

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, thời điểm ngày 18-19/4, vào hai khung giờ cao điểm trong ngày là 6h30-8h và 16h30-18h, lượng khách trên xe BRT khá đông. Trong khoảng thời gian này, một chuyến xe có thể chở 70-90 hành khách.

Còn trong giờ thấp điểm vào 10-12h và 14-16h, một chuyến xe chở khoảng 30-50 hành khách.

Là hành khách quen thuộc của tuyến buýt nhanh BRT, ông Phạm Văn Quyết (66 tuổi, trú quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết bản thân thường sử dụng xe buýt nhanh vì tiện lợi.

"Tôi đồng ý việc thay đổi là tốt, nhưng nếu buýt nhanh BRT bị ngừng để xây dựng đường sắt đô thị thì trong thời gian xây dựng thành phố phải có phương án giải quyết vấn đề đi lại công cộng cho người dân", ông Quyết bày tỏ.

Cũng như ông Quyết, anh Vũ Nguyễn Tài Minh (22 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ bản thân có thói quen sử dụng buýt nhanh từ năm 2017.

Vì sao buýt nhanh BRT chưa thu hút được đông hành khách? - 1

Buýt nhanh BRT lưu thông trong làn ưu tiên (Ảnh: Tiên Phong).

Anh Minh nhận định, làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT hoạt động thường xuyên bị xe máy lấn sang khiến nhiều thời điểm bị ùn tắc và điều này khiến buýt nhanh BRT không phát huy hết tác dụng.

Còn một nam tài xế buýt nhanh BRT đánh giá, hiện buýt nhanh là phương tiện công cộng hoạt động tương đối hiệu quả với sản lượng cao và tốc độ lưu thông nhanh. Tại mỗi bến, hai chuyến xe liên tiếp chỉ cách nhau tối đa 3 phút. 

Vì sao buýt nhanh BRT chưa thu hút được đông hành khách? - 2

Giờ cao điểm buýt nhanh BRT luôn chật kín hành khách (Ảnh: Nguyễn Hải).

Theo tài xế này, việc xe máy đi vào làn ưu tiên dành cho buýt nhanh sẽ gây phiền toái cho tài xế nhưng không quá ảnh hưởng tới thời gian trong toàn lộ trình.

Khi so sánh với xe buýt thường, nam tài xế cho biết công việc của mình nhàn hơn nhưng cũng áp lực hơn.

"Với tính chất là tuyến điểm của Hà Nội, các cấp chính quyền theo dõi rất sát sao hoạt động của buýt nhanh BRT, nên chúng tôi phải lái xe đặc biệt an toàn", nam tài xế chia sẻ và cho biết, đặc thù của xe buýt nói chung là chiều vào thành phố đông hành khách thì chiều ra sẽ vắng.

Theo tài xế này, trong giờ cao điểm, buýt nhanh BRT giải quyết nhu cầu đi lại của rất nhiều người, các chuyến xe luôn chật kín hành khách.

Trước thông tin buýt nhanh BRT có thể bị thay thế bởi tuyến đường sắt đô thị số 11, nhiều tài xế mong muốn nếu điều này xảy ra, họ sẽ được bố trí công việc phù hợp.

Vì sao buýt nhanh BRT chưa thu hút được đông hành khách? - 3

Buýt nhanh BRT là phương tiện công cộng quen thuộc của nhiều hành khách (Ảnh: Tiên Phong).

Năm 2023 doanh thu cao nhất trong các tuyến buýt

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết khi xây dựng tuyến buýt nhanh BRT, Việt Nam đã đi khảo sát ở một số nước. 

Tuyến BRT ở nhiều nước được xây dựng khác Việt Nam khi có đầy đủ cơ sở hạ tầng. 

"Việc đầu tư vào BRT tốn khá nhiều tiền của Nhà nước. Nếu bây giờ thay thế bằng cái khác cần phải thận trọng xem xét, làm thế nào cho hợp lý", ông Liên nói và cho biết rất ủng hộ về chủ trương đổi mới đối với các loại hình giao thông công cộng.

Cũng thường xuyên sử dụng buýt nhanh BRT, ông Liên đánh giá các xe chạy đúng giờ, nhanh, xe chất lượng.

Song ông cũng nhìn nhận thực tế, buýt nhanh BRT chưa thu hút được đông hành khách bởi tuyến đường ngắn, ít tuyến kết nối.

Ông Liên cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý mạnh những trường hợp phương tiện đi vào làn buýt nhanh. 

Vì sao buýt nhanh BRT chưa thu hút được đông hành khách? - 4

Năm 2023, doanh thu của buýt nhanh BRT đạt 19,2 tỷ đồng, cao nhất trong các tuyến buýt của Hà Nội (Ảnh: Tiên Phong).

Theo thông tin từ lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), tổng hành khách vận chuyển của buýt nhanh BRT trong năm 2017 là 4,9 triệu lượt khách; năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt hành khách và năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt hành khách.

Khách bình quân giờ cao điểm trong điều kiện bình thường đạt 70 hành khách/lượt, nhiều lượt xe vận chuyển tới trên 100 hành khách.

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng hành khách đã phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Trong năm 2022 đạt trung bình 45 hành khách/lượt; tổng cả năm là 5,3 triệu lượt; doanh thu 13,7 tỷ; tỷ lệ đúng giờ hơn 97%.

Năm 2023, đạt hơn 5,8 triệu lượt hành khách, hơn 16.040 hành khách/ngày; tỷ lệ xuất bến đúng giờ đạt 97%; doanh thu 19,2 tỷ đồng (tăng 40% so với năm 2022) cao nhất trong các tuyến buýt của TP Hà Nội.

Hiện nay, Hà Nội có hơn 23 nhà chờ được vận hành trên tuyến buýt nhanh BRT.

Tuyến buýt nhanh BRT tại Hà Nội kéo dài từ Kim Mã đến Yên Nghĩa với tổng chiều dài 14,7km. Buýt nhanh BRT chiếm một làn ưu tiên ngoài cùng bên trái trên những đoạn đường mà nó hoạt động.

Tuyến buýt này được đưa vào sử dụng tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng).