Vì sao bến cá 43 tỷ đồng phải bỏ hoang suốt nhiều năm?
(Dân trí) - Được đầu tư hơn 43 tỷ đồng nhằm cung cấp dịch vụ hậu cần và làm nơi neo đậu tàu thuyền..., nhưng bến cá Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đang bị bỏ hoang nhiều năm qua.
Năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định phê duyệt tiểu dự án nâng cấp bến cá Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), thuộc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa với tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa.
Đến năm 2016, dự án được điểu chỉnh, tổng vốn đầu tư giảm xuống còn 43,6 tỷ đồng từ nguồn vốn vay WB, vốn đối ứng và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Dự án bao gồm các hạng mục như: Nhà điều hành, cọc neo đậu tàu thuyền, hệ thống điện, cấp thoát nước, bể xử lý nước thải, đắp đất, kè bờ bao, hai nhà tiếp nhận và phân loại thủy hải sản… và nhiều công trình phụ trợ khác.
Dự án được thực hiện với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc bốc dỡ, sơ chế, bảo quản và làm dịch vụ cho khoảng 5.400 tấn thủy sản/năm, cung cấp dịch vụ hậu cần và làm nơi neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền trên địa bàn xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) và các vùng lân cận.
Năm 2017, dự án được hoàn thành và bàn giao cho UBND xã Hoằng Phụ đưa vào quản lý, khai thác sử dụng. Ngày bến cá được hoàn thành, người dân địa phương vô cùng vui mừng, phấn khởi trước những thuận lợi trong hoạt động đánh bắt, thu mua thủy sản trên địa bàn.
Tuy nhiên, sau khi được đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn, bến cá đã phải dừng hoạt động và bỏ hoang suốt nhiều năm qua, khiến người dân không khỏi xót xa, tiếc nuối trước công trình hàng chục tỷ đồng này.
Nguyên nhân dẫn đến việc bến cá bỏ hoang được xác định do cửa Lạch Trào dẫn vào bến cá xuất hiện tình trạng bồi lắng khiến tàu thuyền không thể ra vào bến.
Ông Nguyễn Đức Long (56 tuổi, xã Hoằng Phụ) chia sẻ: "Nhìn bến cá đẹp, khang trang nhưng bỏ hoang chúng tôi tiếc nuối lắm. Do cửa Lạch Trào bị bồi lắng nên tàu thuyền không thể vào bến được. Việc không vào bến được khiến mọi hoạt động đánh bắt và thu mua hàng hóa cũng rất khó khăn".
Hiện để có nơi neo đậu tàu thuyền, nhiều ngư dân tại đây đang phải neo đậu tại khu vực bến sông Cung, cách bến cá Hoằng Phụ chừng 2km. Việc neo đậu rải rác bến sông khiến người dân gặp không ít khó khăn, đặc biệt vào thời điểm mùa mưa lũ.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã nhiều lần tìm hướng xử lý nhưng đến nay, bến cá vẫn chưa thể hoạt động trở lại.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết: "Năm 2017, bến cá đi vào hoạt động nhưng cũng là lúc xuất hiện tình trạng bồi lắng lòng sông và bến cá không còn hoạt động đã 3 năm nay. Trước tình hình trên, năm 2018 xã đã bỏ kinh phí 1 tỷ đồng để nạo vét nhưng vẫn không cải thiện được. Xã cũng đã có báo cáo đến huyện và tỉnh có phương án xử lý để bến cá được hoạt động trở lại, phát huy hết công năng của dự án".
Ông Lê Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho hay: "Bến cá Hoằng Phụ đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng bồi lắng lòng sông. UBND tỉnh cũng đã đồng ý phương án tổ chức mời doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư khai thác và quản lý bến cá. Hiện huyện đang lên kế hoạch tài chính và phương án đấu thầu, mời nhà đầu tư vào để khắc phục tình hình".
Được biết, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có hai bến cá (một ở xã Hoằng Trường và một ở xã Hoằng Phụ). Chỉ tính riêng xã Hoằng Phụ hiện tại có 84 phương tiện đánh bắt thủy sản. Trong đó, có 29 phương tiện công suất 45 - 500CV, còn lại là các phương tiện có công suất dưới 45 CV. Việc cảng cá bị bồi lắng đang gây nhiều khó khăn trong hoạt động đánh bắt, sơ chế và thu mua thủy hải sản của người dân nơi đây.