Vì sao 1,5 km đường ở Ninh Bình "tiêu tốn" tới 165 tỷ đồng?
(Dân trí) - Đại diện chủ đầu tư dự án lý giải vì sao 1,5 km đường "tốn" tới 165 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐT.477 ở Ninh Bình có chiều dài 1,5 km với tổng số vốn đầu tư 165 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với đại diện chủ đầu tư dự án là Sở GTVT tỉnh Ninh Bình.
Ông Nguyễn Quang Minh - Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông (Sở GTVT Ninh Bình) cho biết, việc đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn theo định mức, không thể cao hơn được.
"Số vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp cao lên như vậy là do tuyến đường có rất nhiều hệ thống cống qua kênh nên chiếm mất một nửa tiền, chứ còn đường không chiếm nhiều tiền. Trên tuyến đường của dự án cũng có 3 nút giao, mỗi nút giao phải hoàn trả kênh bằng cống hộp chịu lực, lên tới hơn 300 m cống, hết hơn 40 tỷ tiền cống rồi" - ông Minh nói.
Ông Minh lý giải thêm, đường làm hai bên kênh có cả các hệ thống nút giao lớn để kết nối giữa 2 khu công nghiệp. Các kênh này phải hoàn trả bằng cống hộp chịu lực nên chi phí lên rất lớn.
"Công trình được đầu tư 2 bên kênh thủy lợi của huyện Gia Viễn, đảm bảo kết nối giữa khu công nghiệp mới và khu công nghiệp cũ, kết nối của 2 tiểu đường, chủ đầu tư phải hoàn trả kênh bằng hệ thống cống hộp kỹ thuật, chi phí xây dựng hộp cống chịu lực chiếm 50% giá trị xây lắp công trình", đại diện chủ đầu tư thông tin.
Trước đó, như báo Dân trí thông tin, dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐT.477 ở Ninh Bình có chiều dài 1,5 km với tổng số vốn đầu tư 165 tỷ đồng. Người dân nói vui đây là con đường đắt nhất Ninh Bình khi 1 km đường xây dựng hết số tiền 110 tỷ đồng.
Được biết, UBND huyện Gia Viễn (Ninh Bình) được giao GPMB dự án. Tuyến đường này đi qua địa bàn 2 xã Gia Tân, Gia Trấn của huyện Gia Viễn, không phải đền bù về đất thổ cư hay đất nông nghiệp nhưng lại có chi phí khá cao khiến người dân thắc mắc.
Dự án này là công trình chào mừng 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (1/4/1992 - 1/4/2022). Tuyến đường có quy mô cấp III, đồng bằng, 4 làn xe cơ giới, tổ chức giao thông một chiều, có vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, có 3 nút giao hoàn chỉnh, dải phân cách giữa tạo cảnh quan, điểm nhấn cho khu vực và tuyến đường.