Vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất!
Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho miền Nam ruột thịt; tinh thần, ý chí, niềm tin tất thắng, quyết tâm của Người, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất vẫn vẹn nguyên.
49 năm sau ngày miền Nam được giải phóng, cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho miền Nam ruột thịt; tinh thần, ý chí, niềm tin tất thắng, quyết tâm của Người, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm mỗi người.
Miền Nam trong trái tim Bác Hồ và đồng bào cả nước
Sinh ra và lớn lên khi đất nước Việt Nam đắm chìm trong đêm trường nô lệ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành không chỉ yêu nước, thương Nhân dân đói khổ lầm than và khâm phục các vị tiền bối cách mạng, mà còn nhận thức sâu sắc rằng: con đường cứu nước của những người đi trước đã không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với quyết tâm cho một hướng đi mới, Người rời Tổ quốc, bắt đầu hành trình tìm đường để giành lại độc lập, tự do cho ta và đồng bào mình. Đi qua nhiều châu lục, vừa kiếm sống, vừa khảo nghiệm thực tiễn để lựa chọn con đường cứu nước phù hợp, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quyết định đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước trong thời đại cách mạng vô sản, mà còn bằng những hoạt động lý luận và thực tiễn của mình tạo dựng những nhân tố quan trọng, làm nên thắng lợi của một cuộc cách mạng giải phóng.
Đó là Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp và dân tộc; soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng - đường lối cách mạng đúng đắn, giương cao ngọn cờ độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đáp ứng nhu cầu của lịch sử dân tộc và hợp quy luật thời đại; đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người cộng sản gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực; thành lập Mặt trận Việt Minh - hình thức tổ chức phù hợp để tập hợp rộng rãi, đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước cùng góp sức đấu tranh giành độc lập, tự do; sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân - công cụ bạo lực để giành, giữ và bảo vệ chính quyền cách mạng, v.v.. Vì thế, sau 15 năm kiên cường đấu tranh gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, với thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, đất nước Việt Nam đã được độc lập; Nhân dân Việt Nam đã được tự do; Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.
Lịch sử thế giới cho thấy, độc lập, tự do và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia vốn là những giá trị thiêng liêng, cao đẹp của mỗi dân tộc trên hành trình xây dựng và phát triển. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân Việt Nam đã thề "quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập" vừa giành lại được. Tuy nhiên, hoài bão lớn nhất của Người là nước Việt Nam độc lập, tự do và thống nhất, nhưng phải là độc lập, tự do hoàn toàn và thống nhất thực sự đã không trở thành hiện thực khi thực dân Pháp bội ước, quay trở lại xâm lược Nam Bộ. Không cam tâm làm nô lệ và quyết không để miền Nam lại rên xiết dưới ách thống trị của kẻ thù, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hồ Chí Minh đã khẳng định với toàn thể dân tộc, với lương tri thế giới khát vọng, niềm tin tất thắng về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, non sông liền một dải. Tư tưởng của Người về độc lập, tự do không thể tách rời với sự thống nhất đất nước hiển hiện qua sự khẳng định: "Miền Nam là máu của máu, là thịt của thịt Việt Nam"; "đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!"[1] và "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"… không chỉ kết tinh của những khát vọng cháy bỏng, không chỉ là mục tiêu cốt tử mà Nhân dân các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc luôn hướng tới, mà còn trở thành nguồn sức mạnh nội lực, đồng hành cùng dân tộc trên những chặng đường chiến đấu và chiến thắng.
Vì thế, để bảo vệ và phát triển những thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, để kiên định một nước Việt Nam thống nhất thì miền Nam "Thành đồng Tổ quốc" buộc phải "đi trước" để kháng chiến chống quân thù. Không chỉ luôn sát cánh cùng miền Nam "tiền tuyến", mà khi sự nhân nhượng đã không thể đem lại một nền hòa bình cho dân tộc như mong ước, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã quyết định "toàn quốc kháng chiến" vào ngày 19/12/1946. Dù phải tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp trong một tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch; trong thế bị bao vây và giữa muôn vàn khó khăn, thử thách, song quyết định đó của Người và Đảng không chỉ phù hợp với hoài bão và ý chí của những người Việt Nam yêu nước, mà còn phù hợp xu thế của thời đại (xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, giải phóng những thân phận nô lệ), nên được toàn dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý ủng hộ. Và cũng vì thế, 9năm sau kể từ ngày cả nước cùng ra trận, vượt mọi khó khăn, thử thách, với thắng lợi của trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu cũng như những điều khoản của Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954) về lập lại hòa bình ở Đông Dương, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc trong niềm hân hoan của đồng bào cả nước.
Quyết tâm thực hiện kỳ được "thống nhất đất nước"
Tuy nhiên, lịch sử luôn có những khúc ngoặt! Với giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 như Hiệp định Giơnevơ quy định thì hòa bình mới chỉ có ở miền Bắc, còn ở miền Nam, với sự can thiệp của đế quốc Mỹ, đồng bào và chiến sĩ lại tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng. Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải và những khắc khoải bờ Bắc, bờ Nam cùng ý chí "thống nhất nước nhà là con đường sống của Nhân dân ta. Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng. Nhờ đại đoàn kết mà cách mạng đã thắng lợi, kháng chiến đã thành công. Nay chúng ta đại đoàn kết thì cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta nhất định thắng lợi, nước nhà nhất định thống nhất"[2] như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đã trở thành động lực cổ vũ, động viên mỗi người dân Việt Nam yêu nước trên hành trình đấu tranh vì một đất nước thống nhất. Vì "dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn và thực hiện kỳ được "thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà""[3], nên quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng không chỉ được đồng bào cả nước ủng hộ, góp sức, không chỉ được Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận cùng vào cuộc… mà còn được sức mạnh tinh thần vô song của bài ca Kết đoàn do Người bắt nhịp truyền đến ý chí và niềm tin tất thắng. Và cũng vì thế, việc tập trung củng cố miền Bắc về mọi mặt; xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam đã được triển khai thực hiện để đảm bảo cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà đi đến thắng lợi cuối cùng.
Vì miền Nam ruột thịt, đầu những năm 1960, khi miền Bắc đang giành được những thắng lợi quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, thì ở miền Nam quân và dân ta cũng từng bước giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Sát cánh cùng đồng bào miền Nam trong cuộc chiến đấu gian khổ chống lại sự tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Trái tim của tôi và 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam"[4] và Người "không một giờ phút nào không nhớ đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ - Diệm để cứu nước cứu nhà"[5]. Mỗi khi có cán bộ, chiến sĩ từ trong Nam ra thăm, học tập ngoài Bắc, Người đều mong gặp gỡ, trò chuyện để biết rõ hơn về tình hình chiến sự, về cuộc sống, cuộc chiến đấu và những đau thương mất mát của đồng bào miền Nam…
Khi gặp đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, trong không khí xúc động nghẹn ngào, Người ôm hôn đồng chí Nguyễn Văn Hiếu mà tưởng như đang ôm cả miền Nam vào lòng. Người hỏi thăm cặn kẽ tình hình đời sống, tinh thần chiến đấu của đồng bào miền Nam. Thay mặt các đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu báo cáo tình hình mọi mặt của miền Nam và gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh món quà của đồng bào miền Nam, gồm: Bản Cương lĩnh của Mặt trận; tập thơ của một chiến sĩ đã hy sinh trong nhà tù Mỹ - Diệm; tập ảnh về phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam và một lọ hoa do đồng bào làm bằng vỏ đạn đại bác Mỹ. Khi nhận quà, Người xúc động nói "không có gì tặng cho đồng bào miền Nam" và đưa tay mình lên ngực/nơi trái tim đang khắc khoải nỗi nhớ miền Nam, rồi nói: "Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi".
Vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất thì nhiệm vụ trung tâm, trọng yếu của cách mạng Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ được khẳng định cụ thể: "Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước", không chỉ là hiệu triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết, hành động vì miền Nam ruột thịt, mà còn là khẩu lệnh hãy nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng và quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc… Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại còn ghi rõ, một ngày mà miền Nam chưa được giải phóng, Bắc - Nam chưa sum họp một nhà thì Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, Người không chỉ từ chối nhận Huân chương Sao vàng do Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II (1963) trao tặng, mà còn nói, đồng bào miền Nam là những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng. Miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng Tổ quốc", xứng đáng được nhận Huân chương cao quý nhất; đồng thời đề nghị: "Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng"[6].
Nặng ân tình với miền Nam, năm 1965, Anh hùng quân giải phóng Trần Văn Đảnh ra thăm miền Bắc, được vào gặp Bác Hồ. Xin được ôm hôn Bác, đồng chí Đảnh nói: "Cháu xin hôn Bác phần của đồng bào và bộ đội giải phóng trao nhiệm vụ cho cháu". Đáp lại tình cảm tha thiết đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Các cô, các chú và đồng bào càng đánh thắng giặc Mỹ, Bác càng khỏe mạnh, sống lâu". Mong ước được đón Người vào thăm, đồng bào miền Nam đã quyết "đánh cho Mỹ cút, quyết đánh cho Ngụy nhào" bằng những thắng lợi trên các chiến trường. Đầu năm 1968, sau khi đề nghị Bộ Chính trị bố trí được vào thăm đồng bào miền Nam bằng đường Trường Sơn chưa thực hiện được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích cực tập luyện sức khỏe, đi bộ, leo núi theo chỉ dẫn của bác sĩ một cách kiên trì và gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn; trong đó đề nghị rõ là được đi thăm đồng bào miền Nam "trước" ngày thắng lợi hoàn toàn/"tức là đi thăm anh em trỏng (anh em trong đó) đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em"[7]. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là vấn đề sức khỏe, ước nguyện cháy bỏng của Người đã không thể trở thành hiện thực.
"Bắc Nam sum họp. Xuân nào vui hơn"
Thực tế, Nhân dân Việt Nam chiến đấu vì chính nghĩa, chiến đấu vì phẩm giá con người, vì một khát vọng của thời đại, đó là độc lập, tự do và hạnh phúc của con người trong một quốc gia hòa bình, thống nhất, nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của loài người tiến bộ. Có sức mạnh của chính nghĩa; có sức mạnh nội lực của tình đoàn kết Bắc - Nam, của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa luôn chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam; có phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động lan tỏa sâu rộng khắp miền Bắc (từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược) và có sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, những thắng lợi của quân dân Việt Nam đã khiến các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ lần lượt bị phá sản. Và thực tế là, dù máu có chảy, đầu có rơi; dù có muôn trùng khó khăn, thì dường như những trở lực đó cũng không thể ngăn nổi sức mạnh đoàn kết của cả một dân tộc có truyền thống kiên cường, bất khuất suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đang chiến đấu vì một giang sơn Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất.
Năm 1969, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một suy yếu, nhưng ước nguyện được vào thăm đồng bào miền Nam vẫn là những day dứt khôn nguôi của Người. Trong những ngày cuối đời, lúc nằm trên giường bệnh, dù phải chống chọi với nỗi đau bệnh tật, song mỗi khi tỉnh lại, câu đầu tiên Người dành để nói, vẫn là những câu hỏi về tình hình chiến sự ở miền Nam và hình ảnh miền Nam vẫn luôn ở trong trái tim của Người. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song tâm nguyện của Người: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà"[8] trong bản Di chúc lịch sử đã trở thành mệnh lệnh hành động.
Những ngày cuối tháng 4/1975 cách đây 49 năm, thực hiện nghiêm mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam", với sức mạnh hội tụ của lịch sử dựng nước và giữ nước, với tinh thần đoàn kết muôn người như một, đồng bào và chiến sĩ cả nước đã băng qua mọi gian khổ, hy sinh để hướng về Sài Gòn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975 đã giành thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nam - Bắc đã sum họp một nhà. Như một tượng đài chiến thắng vĩ đại của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không chỉ "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc"[9]; không chỉ đưa cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mà còn mãi mãi khắc sâu trong trái tim các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau hình ảnh một nước Việt Nam thống nhất, non sông liền một dải. Từ đây, trên hành trình đi tới tương lai tươi sáng của dân tộc sẽ không còn sự chia cắt Bắc - Nam, cũng không còn sự khắc khoải "ngày Bắc, đêm Nam", mà chỉ có nguồn sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được bồi tụ và phát huy dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
___________________________
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.280
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.360
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.674
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.190
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.190
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr. 80
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.437
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.623
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.471
TS. Văn Thị Thanh Mai